“Chúng tôi đã nói điều này từ rất lâu rồi, giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022. Khả năng virus biến mất hoàn toàn là rất khó xảy ra, mà có thể sẽ lắng xuống thành một loại virus có mức độ lây truyền thấp, thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những quần thể chưa được tiêm chủng”.
Đó là nhận định của Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu đã bước sang năm thứ 3 và đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh của biến thể siêu đột biến Omicron.
Chia sẻ quan điểm này, ông John Bell, Giáo sư miễn dịch học hàng đầu tại Đại học Oxford, thành viên Ban cố vấn khoa học đời sống Chính phủ Anh đánh giá, những gì mà Omicron gây ra hiện “không còn giống với căn bệnh mà chúng ta thấy cách đây một năm nữa”. Biến thể mới dường như ít gây bệnh nặng hơn, thời gian nằm viện của người nhiễm virus cũng tương đối ngắn.
Các nhà khoa học của Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) Nam Phi, quốc gia đầu tiên xác nhận các ca bệnh liên quan biến thể Omicron thì nhấn mạnh, dù cần tiến hành nghiên cứu thêm song dữ liệu của nước này đã truyền đi tín hiệu tích cực về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron. Theo dữ liệu của Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam phi, số ca lây nhiễm trong 4 tuần đầu tiên của làn sóng COVID-19 thứ tư do biến thể Omicron gây ra tăng mạnh hơn so với con số này trong 3 làn sóng trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện hiện là 5,7%, thấp hơn so với mức hơn 13% trong các làn sóng trước đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo lạc quan vào thời điểm hiện nay là quá sớm khi tất cả những gì thế giới biết về biến chủng Omicron mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ngay cả khi dữ liệu chứng minh điều đó, thì việc virus lây lan mạnh vẫn có thể dẫn đến sự gia tăng lớn số ca nhập viện và tử vong. Điều đó có thể gây căng thẳng thêm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, dù nhờ có vaccine thế giới đang xây dựng được “bức tường miễn dịch”, song “yếu tố quyết định chính” cho việc kết thúc đại dịch vẫn là giúp toàn thế giới tiếp cận được vaccine càng sớm càng tốt:
“Ít nhất nguồn cung cấp vaccine hiện nay đang được cải thiện dù việc các nước giàu tăng cường tiêm mũi bổ sung cho dân số của mình có thể một lần nữa gây ảnh hưởng tới nguồn cung vaccine tại những nước thu nhập nhấp. Tôi kêu gọi lãnh đạo các nước giàu và các nhà sản xuất hãy học bài học từ các biến thể Alpha, Beta, Gamma, Delta và bây giờ là Omicron và làm việc cùng nhau để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70% cần thiết để kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch”, ông Ghebreyesus nói.