Cách đây 2 năm (năm 2020), 16 nghệ sĩ đã thiết kế và xây dựng 16 tác phẩm nghệ thuật trên những bức tường dài hàng trăm mét tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để biến một bãi rác ven sông Hồng trở thành địa điểm nổi tiếng với người dân mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, môi trường và tham quan du lịch. Tuy nhiên, đến nay Không gian nghệ thuật ở Phúc Tân đang bị xuống cấp. Không chỉ bị ảnh hưởng do thời tiết, nguyên nhân chính lại đến từ ý thức của người dân.
Trở lại không gian nghệ thuật vào những ngày gần đây, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh không khỏi xót xa khi chứng kiến thực trạng xuống cấp của các tác phẩm nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm đều đã hư hỏng, xuống cấp.
Nổi bật nhất, tác phẩm "Thuyền" của tác giả Vũ Xuân Đông – miêu tả bến sông nhộn nhịp của một Kẻ Chợ huy hoàng đã tả tơi, khiến người xem khó hình dung ra đó là một tác phẩm nghệ thuật…
… Tương tự, tác phẩm "Rồng của dòng sông" của cố nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortizas đã bong tróc, nứt vỡ một mảng lớn.
Bên cạnh những tác phẩm bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều tác phẩm tại không gian nghệ thuật Phúc Tân cũng bị lấn chiếm để người dân để xe, treo đồ và kinh doanh dịch vụ, che mất thông tin phần giới thiệu không gian phố bích hoạ.
Tuy nhiên, ngoài những tác phẩm bị hư hỏng cũng có tác phẩm qua thời gian dường như lại càng tăng lên vẻ giá trị và có sức sống như tác phẩm "Bức tường danh vọng" của tác giả Trần Hậu Yên Thế. Được bắt đầu bằng những khuôn mặt in hình những song cửa hoa bị chôn vùi trong những lớp vữa… Tác phẩm đã truyền lại những cảm xúc như ngày ban đầu của Kiến trúc sư Trần Huy Ánh.
Theo một đại diện UBND phường Phúc Tân, tại không gian nghệ thuật Phúc Tân luôn có tổ bảo vệ của tổ dân phố, dân quân tự vệ thay nhau trông coi, nhắc nhở người dân. Tuy nhiên do tính chất ngoài bãi phức tạp, ý thức người dân chưa cao nên nhiều tác phẩm bị xuống cấp.
Những dự án nghệ thuật công cộng thường chỉ giữ được nguyên vẹn giá trị trong vòng 3 - 5 năm, sau đó sẽ bị xuống cấp hoặc cần thay đổi để phù hợp với hơi thở của thời đại. Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân cũng khó tránh khỏi quy luật này. Những người nghệ sĩ đã không tiếc công để sáng tạo nhưng cộng đồng cũng phải có trách nhiệm đóng góp vào việc nuôi sống tác phẩm đó, làm tác phẩm đó đẹp đẽ hơn, được bảo vệ an toàn hơn và đóng góp vào cuộc sống tinh thần của mình tốt hơn.
Xuân Đoàn