Cuộc khủng hoảng khí đốt ngày càng nghiêm trọng
Không chỉ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình trạng lạm phát tăng cao, người dân châu Âu còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng trong mùa Đông. Tình trạng khan hiếm năng lượng đã khiến giá điện tăng cao mức kỷ lục, đúng vào thời điểm lạnh nhất trong năm.
Trước việc Nga tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực gần biên giới với Ukraine, sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga đã hạn chế các lựa chọn của phương Tây trong việc gây sức ép với Moscow.
Giá năng lượng tại châu Âu không ngừng đạt mức kỷ lục mới đã khiến các nhà tiêu thụ điện và khí đốt lớn nhất trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề, đồng thời đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế.
Hiện tại giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 800% còn giá điện tăng 500%. Khi những ngày lạnh nhất của mùa Đông đang đến gần và Nga hạn chế nguồn cung khí đốt, châu Âu đối mặt với viễn cảnh vô cùng ảm đạm. Tất cả những điều này đe dọa để lại vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp của châu Âu, giống như biến thể Omicron đang lây lan khắp lục địa.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu dự kiến sẽ trầm trọng hơn vào năm 2022 khi thời tiết được dự báo trở nên khắc nghiệt hơn và một số nhà máy điện hạt nhân hàng đầu của Pháp đang gặp sự cố buộc phải đóng cửa.
Châu Âu đã đạt được những bước tiến trong việc đề ra các quy định nhằm giảm bớt ảnh hưởng của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất, chiếm gần 47% lượng khí tự nhiên nhập khẩu vào châu Âu trong nửa đầu năm nay.
Sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga đặc biệt cao tại khu vực Trung và Đông Âu. Chưa kể, Gazprom cũng chiếm công suất đáng kể trong kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất ở châu Âu, đặc biệt là tại Đức. Điều đó mang lại cho Moscow đòn bẩy lớn hơn với châu Âu khi lục địa này đối mặt với thị trường đầy biến động và gián đoạn nguồn cung.
Mâu thuẫn liên tục nảy sinh giữa Nga và châu Âu
Một số quan chức châu Âu cho rằng, Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Song Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, cho đây là điều vô căn cứ.
Nói về cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu, nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga nhận định, mặc dù Nga khẳng định không sử dụng vũ khí làm năng lượng, nhưng cũng không thể phủ nhận thế mạnh của Nga trong chính sách ngoại giao năng lượng.
Nga có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào và muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu. Mong muốn của nước này là được ký các hợp đồng dài hạn ít biến động, có thể hạn chế lợi nhuận khi giá trên thị trường tăng cao nhưng bù lại cung cấp biện pháp bảo vệ lâu dài khi giá cả lao dốc. Trái lại, châu Âu không muốn ký hợp đồng dài hạn và đề nghị chuyển đổi định giá khí đốt theo giá giao ngay trên thị trường. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt khiến các bên gia tăng căng thẳng trong vấn đề năng lượng.
Chưa kể trong thời quan vừa qua, châu Âu thông qua nhiều chính sách lớn về năng lượng, chẳng hạn như thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh, đánh thuế carbon đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Những chính sách này sẽ ảnh hưởng đến những nước xuất khẩu dầu khí như Nga, khiến họ không chỉ phải trả một lượng lớn tiền thuế mà mà còn có thể phải giảm đáng kể khối lượng xuất khẩu do kế hoạch cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo của EU.
Bên cạnh đó, EU cũng tìm cách hạn chế chống độc quyền của Nga, như quy định phải tách riêng doanh nghiệp khai thác, sản xuất khí với doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp phân phối, tức là buộc tập đoàn Gazprom của Nga chia sẻ vai trò của mình.
Theo chuyên gia Nguyễn Đăng Phát, bất lợi lớn nhất của Nga trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu là phải trung chuyển qua các nước trung gian. Kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga phải phụ thuộc vào việc đặt các đường ống dẫn khí đốt qua các nước từng thuộc Liên Xô, để xuất khẩu gần như toàn bộ dầu mỏ và khí đốt ra thị trường quốc tế. Nhưng không phải quốc gia trung gian nào cũng là nước thân thiện với Moscow.
Để hạn chế bất lợi này, Nga đã xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt trực tiếp tới châu Âu, trong đó có Dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Nhưng dự án đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong quan hệ giữa Nga và phương Tây từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành.
Dòng chảy phương Bắc 2 thành quân cờ chính trị
Ban đầu, dự kiến Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2019, song đến nay vẫn chưa được cấp phép. Theo ông Nguyễn Đăng Phát, những trở ngại mà dự án gặp phải hầu như mang động cơ chính trị, do Mỹ, Ukraine và một số nước thân Mỹ dựng lên, nhưng được che đậy dưới dạng các rào cản kỹ thuật, như những đòi hỏi về bảo vệ môi trường sinh thái.
Rất nhiều nước muốn chống lại dự án. Trước hết đó là những nước muốn Nga tiếp tục trung chuyển khí đốt xuất sang châu Âu qua lãnh thổ của mình để thu phí trung chuyển. Dẫn đầu nhóm nước này là Ukraine. Ukraine sẽ mất từ 2-2,4 tỷ USD/năm nếu Nga không trung chuyển khí đốt qua nước này. Tiếp theo là Ba Lan. Với chính sách chống Nga quyết liệt, Ba Lan cho rằng dự án đang đe dọa an ninh châu Âu. Lãnh đạo các nước Estonia, Hungary, Latvia, Ba Lan, Slovakia, Romiania và Litva cũng tuyên bố không ủng hộ dự án.
Mỹ là nước ngoài châu Âu kiến quyết chống lại dự án với các lý do: ngăn chặn Nga mở rộng ảnh hưởng với châu Âu, đặc biệt trên thị trường năng lượng, lo ngại quan hệ hợp tác Nga-EU tăng cường, tìm cách giữ chân châu Âu trong quỹ đạo của mình; thúc đẩy xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu để cạnh tranh với khí đốt Nga. Nhưng chính quyền Biden không muốn đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt bởi khác với thời Donald Trump, chính sách đối ngoại mới của Mỹ là khôi phục, củng cố, mở rộng quan hệ với các đồng minh châu Âu, trong đó rất chú trọng quan hệ với Đức – quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong EU.
Trong thời gian qua, Đức đã thúc đẩy thương lượng với chính quyền Biden về dự án và sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Angela Merkel tới Mỹ, hai bên đã đạt được thỏa thuận chung về vấn đề này.
Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát cho rằng, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sớm hay muộn sẽ vẫn được cấp phép. Nhưng mốc thời gian vẫn cần phải xem xét vì phụ thuộc vào điều kiện cũng như thỏa thuận giữa các bên. Một khi dự án đi vào hoạt động, tình trạng thiếu hụt năng lượng của châu Âu có thể được giải quyết phần nào.