Sáng 22/12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Phòng, chống ma túy 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống ma túy, song nguy cơ vẫn còn rất lớn. Công tác phòng, chống tội phạm ma túy rất quyết liệt bởi đây là “nguồn gốc, là tội phạm của các loại tội phạm”.
Trong khi đó, Việt Nam ở khu vực tương đối nhạy cảm, đặc thù; số người nghiện ma túy tiếp tục tăng, đặc biệt số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp, gây nhiều khó khăn cho công tác cai nghiện, điều trị, phòng, chống các tệ nạn…
“Công tác phòng, chống ma túy phải kiên quyết cả 2 mũi đầu cung và đầu cầu, cùng với đó là công tác cai nghiện cho các đối tượng, phải được thực hiện nghiêm vì lợi ích của số đông, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Công tác phòng, chống tội phạm ma túy không chỉ của riêng lực lượng công an, y tế hay ngành LĐ-TB&XH mà còn là nhiệm vụ của tòa án, các cơ quan khối tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể… trong vận động phòng, chống và các biện pháp ứng xử đúng pháp luật, nghiêm minh với các đối tượng nghiện ma túy.
Hiện nay, lực lượng công an chính quy đã được tăng cường về cấp xã, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy vai trò đầu mối, nòng cốt của lực lượng này ngay từ cơ sở, dưới chỉ đạo chung của cấp ủy, chính quyền địa phương.
“Công tác phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác phải thực hiện đồng bộ và tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn với các phong trào thi đua, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy cho biết, hiện nay, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Những năm gần đây trung bình phát hiện trên 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy mỗi năm.
Nhiều trường hợp sử dụng các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần đầu đã gây nguy hiểm cho chính bản thân người sử dụng, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ đối tượng sử dụng ma túy lên cơn nghiện, "ngáo đá" giết người thân trong gia đình.
Trong khi đó, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Từ năm 2009 đến năm 2021, số người nghiện có hồ sơ quản lý trong cả nước tăng từ 146.731 người lên 246.648 người, tăng 68%. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội; điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện chưa bảo đảm; chưa có quy định cụ thể về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.
Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008 không thống nhất, đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.
Sau khi được ban hành, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã "ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy"; thêm các quy định mới về quản lý người nghiện ma túy bao gồm xác định tình trạng nghiện ma túy, thủ tục cai nghiện ma túy, trong đó lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma tuý 2021 đều đã được chuẩn bị căn cơ, đối chiếu, rà soát, gửi đến những người thực hiện trực tiếp ở cấp xã, huyện, tỉnh. Các quy định đã được triển khai tập huấn tới cơ sở trước khi tổ chức hội nghị quán triệt toàn quốc.
Luật quy định rõ nội dung quản lý Nhà nước và chỉ quy định trách nhiệm của một số bộ có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính.