Omicron lan nhanh chóng mặt, Mỹ sắp đối mặt kịch bản tồi tệ nào?

Thứ năm , 15:04 06/01/2022 | Cafe ngày mới

Theo Vox, ngay cả khi những nghiên cứu sơ bộ cho thấy, Omicron gây ra tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, nhưng biến thể siêu lây nhiễm mới sẽ mang lại những gián đoạn lớn trong xã hội tại Mỹ vào năm 2022.

Biến thể Omicron đã khiến Mỹ đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Mỹ ghi nhận trung bình hơn 400.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày kể từ hôm 3/1, vượt qua mức kỷ lục 250.000 ca bệnh mới mỗi ngày vào mùa đông năm 2021. Hiện tại, số ca mắc bệnh tại Mỹ vẫn tăng cao, tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 12/2021.

Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, Omicron thậm chí còn dễ lây truyền hơn so với các biến thể trước đây và có khả năng né tránh một phần khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc do từng mắc bệnh. Hiện tại, Omicron dường như đã vượt qua Delta và chiếm phần lớn số ca mắc bệnh mới ở Mỹ.

Omicron lan nhanh chóng mặt, Mỹ sắp đối mặt kịch bản tồi tệ nào? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Massachusetts ở Mỹ vào ngày 27/12/2021. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, cho đến nay, số ca nhập viện tại Mỹ không tăng nhanh như số ca nhiễm SARS-CoV-2. Điều này chứng tỏ Omicron gây ra tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, đặc biệt đối với những người đã tiêm chủng. Kể từ ngày 3/1, Mỹ ghi nhận khoảng 1.250 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày, không thay đổi nhiều so với mức trung bình 1.125 ca tử vong vào ngày 3/12/2021.

Nhưng ngay cả khi Omicron gây ra ít rủi ro hơn so với các biến thể trước, biến thể mới vẫn gây nguy hiểm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế trong thời gian tới.

Ngày 3/1, Mỹ ghi nhận thêm hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 mới, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát. Mỹ có thể sớm ghi nhận trung bình khoảng 1 triệu ca bệnh mới mỗi ngày. Người lao động và sinh viên sẽ phải ở nhà nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tốc độ lây lan nhanh chóng của Omicron đang khiến các bệnh viện trở nên quá tải, vốn đã áp lực sau 2 năm đại dịch vừa qua. Ngay cả khi những ca nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn, một số bang vẫn đang chứng kiến số lượng bệnh nhân lớn phải chăm sóc đặc biệt.

“Sự gia tăng số ca nhiễm Omicron hiện nay đại diện cho một trong những thách thức về sức khỏe cộng đồng không chỉ trong đại dịch mà còn trong cuộc sống của chúng ta”, hai chuyên gia y tế Michael Osterholm và Ezekiel Emanuel cho biết trên Washington Post.

Xu hướng của làn sóng Omicron

Hiện tại, nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn, đặc biệt đối với những người đã có khả năng miễn dịch. Rất nhiều người đã nhiễm Omicron nhưng cho đến nay, không nhiều người trong số họ phải nhập viện. Vox nhận định rằng, xu hướng làn sóng Omicron tại Mỹ sẽ là những ca bệnh ít nghiêm trọng hơn, giống như cách Omicron đã lây lan ở Nam Phi và Anh.

Tại New York, một trong những điểm nóng về Omicron ở Mỹ, số ca mắc Covid-19 mới tăng gần 300% trong 2 tuần qua, nhưng số ca nhập viện và tử vong không tăng cao. California cũng chứng kiến xu hướng tương tự, với sự gia tăng 400% số ca mắc bệnh trong hơn 2 tuần, nhưng số ca nhập viện và tử vong không tăng đáng kể. Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 26% ở New York và 14% ở California, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát vào mùa xuân và mùa hè năm 2020.

Kể từ khi phát hiện biến thể Omicron, Nam Phi ghi nhận số ca mắc bệnh mới cao kỷ lục, với khoảng 23.300 ca nhiễm virus mỗi ngày vào giữa tháng 12/2021. Tuy nhiên, hiện tại số ca bệnh đang giảm và số ca tử vong do Covid-19 không cao đến mức như mùa hè và mùa đông năm 2021.

Anh cũng không chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca tử vong, ngay cả khi số ca mắc bệnh và nhập viện đang tăng cao. Nghiên cứu sơ bộ từ Anh và Scotland cho thấy, nguy cơ nhập viện do nhiễm Omicron thấp hơn so với nhiễm Delta.

Đây có thể là xu hướng chính của làn sóng Omicron sắp tới: ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người nhưng lây lan rất nhanh nên vẫn gây nguy hiểm đến tính mạng và tác động mạnh mẽ tới xã hội và nền kinh tế.

Omicron vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ

Càng nhiều người mắc bệnh thì virus càng có nhiều cơ hội lây lan cho những người khác. Điều này sẽ nguy hiểm đối với những người chưa tiêm chủng, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch và người dễ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng phải nhập viện.

Các bệnh viện tại Mỹ đang báo cáo tình trạng quá tải, một số bệnh viện không có đủ nhân viên y tế hoặc năng lực để điều trị tốt nhất cho tất cả bệnh nhân, buộc họ phải đưa ra quyết định khó khăn về việc nên ưu tiên người bệnh nào.

Hiện tại, một số bang tại Mỹ đang trải qua làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất, tạo ra cuộc khủng hoảng y tế tại nhiều bệnh viện. Theo dữ liệu của Đại học Minnesota, hơn 35% số giường chăm sóc đặc biệt của Ohio hiện đang được lấp đầy bởi các bệnh nhân Covid-19, tương tự mức độ vào tháng 12/2020. Illinois và Pennsylvania cũng ghi nhận số bệnh nhân chăm sóc đặc biệt cao kỷ lục.

Theo hướng dẫn mới của CDC, những người mắc Covid-19 phải cách ly ít nhất 5 ngày. Thời gian này ngắn hơn so với khuyến nghị 10 ngày trước đó, nhưng có thể khiến vấn đề nhân sự tại các bệnh viện trở nên tồi tệ hơn và hạn chế khả năng chăm sóc bệnh nhân. Trong bài đăng trên Washington Post, Osterholm và Emanuel kêu gọi chính quyền các bang và địa phương chuẩn bị cho kịch bản lực lượng y tế giảm tới 20% vì các bác sĩ và y tá mắc bệnh và phải cách ly.

Các dịch vụ thiết yếu khác ngoài hệ thống y tế như cảnh sát và cứu hỏa cũng có thể thiếu nhân lực vì nhân viên mắc Covid-19 và phải cách ly. Một số trường học đang chuyển sang học trực tuyến do sự gia tăng số ca mắc bệnh.

Làn sóng Omicron đã gây ra ảnh hưởng rõ ràng đối với nền kinh tế Mỹ. Các hãng hàng không đã hủy hàng nghìn chuyến bay trong những ngày nghỉ lễ do có nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Một số nhà phân tích kinh tế dự đoán nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm trong quý I năm 2022 do lực lượng lao động cạn kiệt và nhiều người phải thận trọng hơn để tránh lây nhiễm Omicron.

Hai chuyên gia Osterholm và Emanuel khuyến nghị người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch quen thuộc như đeo khẩu trang, xét nghiệm và tiêm vaccine để giảm sự lây lan của Omicron và giảm tải cho hệ thống y tế.

Hiện tại, vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do Covid-19. Bên cạnh đó, đeo khẩu trang có thể giúp giảm khả năng lây nhiễm. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên đi xét nghiệm nếu phơi nhiễm với virus và cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Họ cũng khuyên mọi người nên tiếp tục xét nghiệm sau khi mắc bệnh, chỉ trở lại các hoạt động bình thường khi âm tính với SARS-CoV-2.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

C C C C C C
VOV - Đài truyền hình KTS VTC