Người đứng đầu Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia, Abdul Muhari cho biết trận lũ xảy ra sau mưa lớn nhiều ngày khiến các con sông bị vỡ bờ và mực nước dâng cao trong các khu dân cư. Lũ lụt nhấn chìm hơn 11.000 ngôi nhà ở 120 ngôi làng.
Anh Muzakkir, đến từ tỉnh Aceh, cho biết: “Chúng tôi trải qua lũ lụt ít nhất từ 5 đến 8 lần mỗi năm - nhưng đây là một trong những trận lũ nghiêm trọng nhất”.
Chính quyền Bắc Aceh cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ứng phó với thiên tai lũ lụt từ ngày 2/1 đến ngày 15/1/2022. Tỉnh Jambi trên đảo Sumatra cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với nhiều ngôi nhà bị ngập lụt.
Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia kêu gọi người dân và chính quyền địa phương nâng cao nhận thức về các thảm họa khí tượng thủy văn tiềm ẩn bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị các kế hoạch sơ tán khẩn cấp và phân phối viện trợ cũng như chuẩn bị các hỗ trợ thực hiện các giao thức y tế trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 trong các trại tị nạn.
Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ về môi trường Indonesia cho rằng lũ lụt ngày một trở nên tồi tệ hơn còn do nạn phá rừng để nhường chỗ cho các đồn điền trồng dầu cọ lớn trên đảo Sumatra. Việc khai thác gỗ trên vùng đất cao có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến Aceh.
Trong khi đó, nước láng giềng Malaysia kể từ tháng trước đến nay cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt khiến hơn 70.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong bối cảnh những trận mưa như trút nước. Bang Johor, Malacca và Sabah bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm đã khiến khoảng 50 người Malaysia thiệt mạng. Lũ lụt và lở đất diễn ra phổ biến ở cả các nước Đông Nam Á trong mùa mưa kéo dài nhiều tháng.