Theo chỉ đạo khẩn của UBND TP HCM, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước khi di chuyển tại TP HCM thì phải đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị (gọi chung là thẻ công chức), thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành. Song song đó, nhóm này phải có văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng phải đeo thẻ công chức hoặc sử dụng thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ). Nhóm này cũng phải có văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm bằng xe ô tô cá nhân thì phải có thêm giấy xác nhận công tác (màu xanh dương đối với người làm nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và màu đỏ đối với lực lượng làm công tác/hỗ trợ công tác phòng, chống dịch) do cơ quan, đơn vị cấp (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, có đóng dấu treo của cơ quan, đơn vị). Giấy này phải được dán trên mặt kính trước của xe để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Riêng lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng được điều phối để hỗ trợ, phục vụ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (kể cả lực lượng tổ chức và phục vụ tiêm vắc xin) thì cần sử dụng thẻ công tác/giấy xác nhận công tác phòng, chống dịch (màu đỏ) do cơ quan, đơn vị cấp để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Đặc biệt, đối với đội ngũ người giao hàng (shipper), UBND TP HCM yêu cầu phải đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường.
Theo đó, ngoài các giải pháp nhận diện hiện nay (đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...) thì còn có bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code. Các shipper thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ổng đeo cao 20cm, in chữ "Shipper" màu trắng.
Lực lượng shipper được hoạt động: từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày.
UBND TP HCM cũng nhấn mạnh, những shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 thì được phép di chuyển liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Với người dân đi chợ, siêu thị, UBND TP HCM yêu cầu UBND phường, xã, thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân theo quy định trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.
Còn với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến" thì được nhận diện theo quy định hoặc đã đăng ký với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và cung cấp cho Công an Thành phố và các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Qui định này cũng áp dụng với các phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; xe ô tô, xe taxi được huy động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết.
Văn bản khẩn của UBND TP HCM cũng yêu cầu, đối với những người đi tiêm vắc xin thì ngoài giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cấp thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hằng ngày) để người đi tiêm vắc xin đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Được biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, một số địa phương sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân sau 18 giờ mỗi ngày.
Theo Pháp luật Việt Nam