"Cần báo cáo rõ với Quốc hội về lãng phí, có địa chỉ bộ ngành và địa phương"

Chủ nhật , 11:42 25/04/2022 | Cafe ngày mới

“Các báo cáo phải nêu thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời cụ thể bộ ngành, địa phương nào để lãng phí”.

Sáng 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ.

Năm 2021, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP. Bên cạnh đó, kết quả trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Nói thẳng, rõ địa chỉ

Cho ý kiến vào báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bên cạnh báo cáo đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội thì báo cáo tóm tắt trình bày trước Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng, tránh dàn đều “3 sôi 2 lạnh”. Báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra phải thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào để lãng phí để tạo chuyển biến rõ nét thời gian tới.

"Cần báo cáo rõ với Quốc hội về lãng phí, có địa chỉ bộ ngành và địa phương" - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận

Gợi ý một số vấn đề lớn, trong đó có ngân sách, ông Vương Đình Huệ dẫn số liệu cho thấy Chính phủ ban đầu báo cáo ước thu ngân sách trung ương năm 2021 hụt thu khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến nay thu ước tăng 6,7% so với dự toán.

“Trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn như thế, ban đầu dự kiến hụt thu, nếu Chính phủ không tăng cường chỉ đạo thực hiện vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, không có nhiệm vụ kép đó thì làm sao đạt được kết quả này!” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy tiết kiệm chi hơn 70 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng. Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi đi công tác nước ngoài thế nào; bộ ngành, địa phương nào nổi bật nhất... và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú.

Rồi việc lần đầu tiên vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế, trước càng nói giảm lại càng tăng nên Chính phủ không quyết liệt thì làm sao có được con số tích cực như báo cáo, do đó cần phải nhấn mạnh hơn.

Đề cập một số hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu các báo cáo phải thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có giải pháp khắc phục, tránh nói chung chung.

“Ví dụ cải cách hành chính có ý kiến nói phải chăng đang chững lại, nếu có thì nguyên nhân chủ quan là gì? Đầu tư công có khoản hàng nghìn tỷ đồng được bố trí mà không tiêu được thì trách nhiệm của ai? Cổ phần hoá, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là không có tiến triển gì, vậy bộ ngành, địa phương nào thì nói thẳng ra. Thị trường vốn, trái phiếu cũng chưa được nói đến độ. Mua sắm công thì điển hành là vụ Việt Á, sai phạm ở CDC các tỉnh, thành...” – ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề và nêu quan điểm “viết thẳng vào, không phải ngại gì hết, báo cáo đầy đủ cũng như tóm tắt phải có địa chỉ để hy vọng những năm sau có chuyển biến tích cực hơn”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, nhìn chung các bộ ngành, địa phương thực hiện khá nghiêm túc, quyết liệt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho xây dựng và phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, UBTVQH để có các giải pháp chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp cũng như huy động sự chung tay của nhân dân, các thành phần kinh tế để phòng, chống dịch.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ thêm 3 nhiệm vụ trong số các nhiệm vụ nổi lên trong năm 2021. Thứ nhất là xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu tiết kiệm ở từng lĩnh vực, phân công rõ trách nhiệm từng cơ quan, gắn kết quả với công tác thi đua khen thưởng và bổ nhiệm thì thực hiện được đến đâu?

Hiệu quả của công tác phối hợp giữa bộ ngành, địa phương, cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong công tác này có chuyến biến hay không, triển khai được bao nhiêu cuộc?

Phải xác định được bối cảnh năm 2022 để xác định trọng tâm, trọng điểm. “Ví dụ xây dựng cơ bản dễ thất thoát lớn. Qua vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thấy rằng tiêu cực, lãng phí rất lớn, phải xử lý hình sự nhiều cán bộ. Năm 2022 phải chăng đi sâu kiểm tra thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, nhất là với công trình giao thông trọng điểm?” – Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, đồng thời đề nghị tổng kết rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế, bất cập để có giải pháp phù hợp.

Còn nhiều sai phạm gây bức xúc

Bà Phạm Thuý Chinh – Phó Chủ nhiệm Ủy bàn Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ cho thấy, công tác phân cấp quản lý tài sản công tiếp tục có chuyển biến, tuy nhiên tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí NSNN.

“Còn xảy ra vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân” – bà Thuý Chinh cho biết.

"Cần báo cáo rõ với Quốc hội về lãng phí, có địa chỉ bộ ngành và địa phương" - Ảnh 2.

Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Năm 2021, Chính phủ đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Bên cạnh các kết quả đạt được thì còn nhiều hạn chế, trong đó một số dự án quan trọng quốc gia xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.

“Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước khi dịch COVID-19 bùng phát để trục lợi, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, lãng phí nguồn lực xã hội” – báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu rõ.

Theo: VOV

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

C C C C C C
VOV - Đài truyền hình KTS VTC