VTC News mở diễn đàn "1.001 chuyện thất nghiệp thời COVID-19" để ghi lại những câu chuyện có thật của người lao động Việt Nam trong suốt gần 2 năm qua, khi đại dịch càn quét.
Anh Phan Thanh Tùng (27 tuổi), sinh sống tại Hà Nội gọi đại dịch COVID-19 là "biến cố lớn của cuộc đời" khi cả hai vợ chồng anh đều mất việc cùng lúc và hiện giờ phải tính đủ kế để có thu nhập mỗi tháng.
Từ “sống mòn” suốt gần 2 năm...
Tốt nghiệp hệ cao đẳng tại trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) năm 2015, vốn học chuyên ngành điện tự động hoá nhưng nhanh nhạy với công nghệ thông tin, anh Tùng đã trang bị cho mình một trong những kỹ năng “thời thượng” đó là marketing trên nền tảng Facebook.
Với ưu thế này, anh Tùng nhanh chóng được tuyển vào làm việc tại một tổ chức đào tạo về phát triển bản thân tại Hà Nội từ cuối năm 2018 với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sau 5 tháng làm việc, anh Tùng được đảm nhiệm vị trí trưởng phòng marketing của trung tâm này, mức lương nâng lên khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng.
Cuối năm 2019, anh Tùng lập gia đình. Vợ anh là một đồng nghiệp cùng làm, làm công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại (telesale) với thu nhập theo doanh doanh thu. Có thời điểm, công việc này đem lại cho vợ anh thu nhập 30 triệu đồng/tháng.
Theo anh Tùng, trừ đi sự không ổn định thì mỗi tháng vợ chồng anh cũng có khoảng 25 - 40 triệu đồng tiền lương. Tuy không phải nhiều song với cuộc sống của vợ chồng trẻ, như thế cũng đủ chi tiêu, anh Tùng còn tính toán tiết kiệm dần có tài sản tích lũy.
Nhưng, sau 2 năm làm việc chưa dành dụm được bao nhiêu thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020 đã giáng một “cú tát” trực diện vào doanh nghiệp của anh. Không thể tổ chức lớp học, hội thảo trong mùa dịch khiến trung tâm gần như dừng hoạt động. Cả anh và vợ lập tức đều bị giảm thu nhập.
Do chỉ được hưởng mức lương cơ bản nên tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ còn chưa đầy 8 triệu đồng mỗi tháng. Anh Tùng buồn bã cho biết, vợ chồng anh phải “sống mòn” gần 2 năm nay, tiết kiệm mọi khoản chi tiêu nhưng vẫn thấy vô cùng bí bách. “Mọi nhu cầu được cắt giảm tối đa khiến chúng tôi nhiều lúc bị stress nặng. Tuy nhiên, cứ nghĩ đây là tình huống bất khả kháng, mình vẫn có thu nhập là còn hơn rất nhiều người bị mất việc, chúng tôi lại tạm hài lòng với những gì mình có và cố gắng vượt qua từng đợt dịch, mong dịch bệnh sớm biến mất vĩnh viễn”, anh Tùng chia sẻ.
...đến thất nghiệp, không thu nhập
Tuy lạc quan nói như vậy nhưng anh Tùng không giấu nổi lo lắng khi dịch bệnh hết đợt này đến đợt khác tràn về, khiến doanh nghiệp anh chưa kịp bình phục đã lại phải chịu thiệt hại.
Sau những lần dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, trung tâm tổ chức các khóa đào tạo trở lại nhưng số người tham dự giảm đi rất nhiều so với thời điểm trước. Cầm cự bằng cách chuyển hướng sang tổ chức bán khoá học thông qua hình thức online nhưng không khả quan, doanh nghiệp ngày càng lún vào khó khăn trầm trọng. Công việc của anh Tùng lúc này là hỗ trợ các buổi livestream (phát trực tiếp) của giảng viên và thực hiện những đoạn video đăng lên Youtube. Tuy nhiên do nhu cầu không thường xuyên nên anh cũng chỉ làm được cầm chừng.
Đáng buồn là khó khăn tiếp tục ập đến. Cuối tháng 6/2021, dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại khiến mọi hoạt động cũng như kế hoạch mới của trung tâm bị đứt gãy. Trung tâm thông báo dừng hoạt động, kế hoạch hoạt động trở lại còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu của khách hàng cũng như nguồn vốn của doanh nghiệp. Vợ chồng anh Tùng chính thức thất nghiệp, sau một thời gian dài lay lắt, lúc làm lúc không.
Với những gia đình khác, gánh nặng có thể chỉ là một, nhưng với anh là cả hai vì hai người cùng mất việc một lúc, nỗi lo toan sẽ nhân lên gấp bội. Anh Tùng chia sẻ: “Bây giờ chỉ còn biết ăn vào tiền tiết kiệm và nhờ sự hỗ trợ của gia đình thôi chứ không còn một khoản thu nhập nào khác. Mong sao cho dịch bệnh sớm được kiểm soát, xã hội hoạt động bình thường. Lúc đó mới tính tiếp chuyện công việc chứ bây giờ thì chịu chết”.
Cười buồn chia sẻ về cuộc sống những ngày dịch bệnh và Hà Nội phải giãn cách xã hội, anh Tùng lo lắng tâm sự, anh e ngại sẽ bị mất việc ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì sẽ cần rất nhiều thời gian để doanh nghiệp hồi phục sau những chấn thương nặng nề. Hơn nữa, sẽ rất nhiều người phải thắt chặt chi tiêu như vợ chồng anh nên chỉ ưu tiên những việc thiết yếu.
"Hà Nội những ngày giãn cách xã hội thật buồn. Những dịp trước, tôi còn có thể làm việc ở nhà. Nhưng hiện giờ thì đứt gánh hoàn toàn. Nhìn thời gian trôi qua mà mình không làm được gì thật là khó chịu và nhiều lúc cảm thấy bất lực. Tôi đang nghiên cứu xem vợ chồng tôi sẽ làm gì sau ngày hết giãn cách", anh Tùng tâm sự.
Theo VTCNews