Nhân chuyện Mì Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland, có rất nhiều thông điệp đưa ra, nhưng cơ bản là: EU có tiêu chuẩn rất cao, Hoa Kỳ, Canada tiêu chuẩn thấp hơn một chút, Tiêu chuẩn Việt Nam thì không đề cập. Vụ Mì Hảo Hảo làm tôi nhớ đến vụ tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 4 năm 2019, lí do cũng liên quan đến các loại tiêu chuẩn.
Cần phải thấy rằng tiêu chuẩn của các quốc gia là khác nhau. Nói dễ nghe là tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các đặc thù của địa phương. Tuy vậy đi vào bản chất của vấn đề thì cho dù tiêu chuẩn là khác nhau, nhưng có một điều không thay đổi đó là tác động của sản phẩm đến sức khoẻ của người dùng.
Cho nên cách nhìn nhận nên là: khi sản phẩm chứa chất X, Y nó tác động đến sức khoẻ thế nào. Lựa chọn của Nhà nước sẽ là: Mức T là chấp nhận được, “T+” là tuyệt vời, mà “T-“ miễn cưỡng chấp nhận.
Có một điều hơi buồn là Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có khuynh hướng là thấp hơn so với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Điều đó nói lên điều gì?
Tôi tin, các nhà quản lý biết rất rõ điều này. Vấn đề là khi ta nâng tiêu chuẩn từ T lên T+ thì chi phí của doanh nghiệp sẽ đội lên theo. Hệ quả là hàng hoá sản xuất ra là khó cạnh tranh. Với giả định là nhà quản lý lựa chọn tiêu chuẩn bằng cái tâm trong sáng, thì TCVN được xác lập dựa trên tổng hoà các giá trị, mà trong đó quan trọng là LỢI ÍCH NGƯỜI DÙNG và LỢI ÍCH DOANH NGHIỆP. Nếu nâng tiêu chuẩn lên, người dùng được bảo vệ tốt, thì doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh. Nếu giảm tiêu chuẩn thì doanh nghiệp được giảm chi phí, nhưng người dùng lãnh đủ.
Quay trở lại chuyện đang bàn: Có lẽ đã đến lúc cân nhắc rà soát lại các tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó nguyên tắc rà soát nên là: Sức khoẻ là quan trọng, hay phát triển kinh tế là quan trọng. Khi mà tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng đông đảo, nhu cầu và khả năng chi trả cho các sản phẩm chất lượng là cao, tại sao ta cứ phải chạy theo chiến lược giá rẻ với chất lượng thấp?
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp