Giảm chi phí và giảm đàn để duy trì chăn nuôi
Trại chăn nuôi của ông Nguyễn Quang Thụy ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, đang có 30 heo nái và hơn 200 heo thịt. Đây là một trong số ít trại chăn nuôi ở đây còn duy trì được đàn heo ở thời điểm này. Từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi tăng giá rất nhiều lần, riêng từ đầu năm đến nay đã tăng giá 2 lần, mỗi lần tăng 3-4 ngàn đồng/kg. So với cách đây hơn 1 năm, mỗi bao thức ăn chăn nuôi, loại 1 bao 25kg tăng 120.000 đồng. Giá thành chăn nuôi mỗi con heo thịt tăng thêm khoảng 1 triệu 500.000 đồng/con.
Ông Thụy cho biết, với gần 20 năm nuôi heo, chưa bao giờ ông thấy người chăn nuôi khó khăn như lúc này. Thời gian tới, nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thì càng nuôi càng lỗ. Chính vì vậy sau tết, nhiều người bán xong lứa heo thịt thì họ “treo chuồng” không dám nuôi tiếp. Với giá heo hơi như hiện nay hơn 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ từ 300.000 -500.000 đồng/con, chưa kể nhiều nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi. Riêng trại của ông có heo nái nên rất khó dừng ngay mà phải cắt giảm đàn nái từ từ.
“Từ Tết đến giờ có 50 heo nái giảm 20 con. Heo nái đẻ ra heo con bán người ta không mua nên buộc phải nuôi heo thịt. Heo thịt vẫn còn, giờ giảm đàn thì phải giảm từ đầu heo nái để nó không đẻ và tiếp tục giảm nữa. Do nuôi heo thua lỗ nợ, không còn vốn, chuồng trại làm ra tưởng nuôi kiếm ăn được, nhưng giờ như vầy nên tôi sẽ không nuôi nữa, vì chưa nuôi tiếp đã thấy lỗ nên chuồng trại sẽ bỏ không” - ông Thụy chia sẻ.
Không riêng trại heo của ông Thụy mà nhiều người chăn nuôi nhỏ, lẻ ở Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ đã nghỉ nuôi. Trong tình hình hiện nay, để duy trì được đàn gia súc, gia cầm thì chỉ có cách người chăn nuôi làm tốt an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh để giảm bớt chi phí.
“Với trang trại của nông dân thì buộc phải giảm đàn cắt lỗ, nếu muốn duy trì chăn nuôi. Còn nếu người chăn nuôi tiếp tục giữ đàn hoặc tái đàn thì việc bù lỗ cũng không biết kéo dài đến lúc nào và sẽ dễ dàng có nguy cơ phá sản” - ông Thụy nói.
Thay thế nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm
Hiện nay, phần lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta đều nhập khẩu. Trong đó, thức ăn chăn nuôi chiếm tới khoảng 70% chi phí giá thành chăn nuôi. Theo một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, 2 loại nguyên liệu chiếm thành phần lớn trong thức ăn chăn nuôi là bắp và đậu nành thời gian qua giá liên tục tăng cao do thời tiết không thuận lợi. Hiện nay, giá nguồn liệu này tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng cuộc chiến Nga- Ukraine.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình cho biết: Giá bắp trước đây từ 4.500 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg, bây giờ là hơn 10.000 đồng/kg. Hiện nay, giá bắp và đậu nành đang tăng rất cao nên công ty cũng chưa dám nhập nhiều nguyên liệu từ Nam Mỹ về mà chỉ nhập cầm chừng để sản xuất. Giá nguyên liệu sản xuất thời gian qua đã tăng 40%, trong khi giá thức ăn chăn nuôi chỉ mới tăng hơn 20% nên thời gian tới giá có thể tăng thêm khoảng 20% nữa. Hiện nay, công ty cũng đã tìm cách thay thế 1 số loại nguyên liệu nhập khẩu như bắp bằng 1 số nguyên liệu khác trong nước để giảm giá thành sản phẩm.
“Trước đây, sử dụng chủ yếu bắp và đậu nành trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giờ thì phần năng lượng bắp mình có thể đổi sang bằng tấm gạo, khoai mì từ đó có thể giảm giá thành. Tính ra khoai mì khoảng 6.300 đồng/kg, tính toán thì sử dụng khoai mì vẫn có lợi hơn bắp vì bắp 10.000 đồng/kg, giá cao quá. Phần khoai mì thay thế này chỉ sử dụng thức ăn cho heo và cá còn gà thì khó” - ông Bình nói.
Cơn "bão” giá thức ăn chăn nuôi hiện nay đang bào mòn sức chống chọi của người chăn nuôi, sau khi đã trải qua những thiệt hại do dịch tả heo châu Phi trước đây. Hiện nay, giá heo hơi bấp bênh cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm cho người chăn nuôi thêm điêu đứng. Còn công ty sản thức ăn chăn nuôi trong nước thì rất bị động nguồn cung nguyên liệu và phải nhập khẩu với giá rất cao. Trong khi Việt Nam là nước có lợi thế về xuất khẩu nông nghiệp, nhưng mỗi năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn bắp và đậu nành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo VOV