Nhiều doanh nghiệp niêm yết lỗ ròng
Báo cáo tại Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy 6 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và đã giải thể đã tăng lên ở mức đáng báo động 70.209 doanh nghiệp; và sẽ còn báo động hơn do dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, trên ba sàn chứng khoán, nơi các doanh nghiệp lớn và vừa, đại chúng, có quy định về vốn điều lệ tối thiểu đang hoạt động, không hẳn tất cả đều sáng sủa.
Tính đến cuối tháng 7 đã có gần 500 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo kết quả kinh doanh riêng lẻ và hợp nhất quý 2/2021, trong đó có đến gần 200 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2/2021 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 40 doanh nghiệp lỗ, cá biệt có công ty lỗ chưa từng có trong lịch sử niêm yết.
Điển hình một số doanh nghiệp thua lỗ ngoài khu vực hàng không, du lịch mà ta được nghe nói đến rất nhiều, là các doanh nghiệp chịu tác động sâu sắc của COVID-19, như Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS). Khó khăn với Vinasun hay Mai Linh trong cuộc cạnh cạnh với xe công nghệ như Grab, Be… chưa kết thúc, thì COVID-19 khiến Vinasun ngập chìm trong thua lỗ. Quý 2/2021, báo cáo tài chính VNS cho thấy doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống còn 150 tỷ đồng và lỗ ròng gần 66 tỷ đồng. Mặc dù so với cùng kỳ lỗ 110 tỷ đồng, con số lỗ này đã giảm bớt nhưng đây vẫn là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ kể từ quý 1/2020 - lúc COVID-19 bắt đầu diễn ra.
Năm 2021, VNS dự kiến doanh thu đạt 1,050 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 79 tỷ đồng. Với số lỗ hiện tại lên đến 66 tỷ đồng, kết thúc cả năm nay, để VNS giữ được mức lỗ 79 tỷ đồng là một bài toán hóc búa khi COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa bàn chính của hãng xe này.
Công ty CP Tập đoàn PAN - hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm nhưng cũng không hẳn chỉ có chiều "ăn nên làm ra" trong đại dịch. Báo cáo tài chính riêng lẻ của PAN quý 2/2021 cho thấy, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận 28,5 tỷ đồng, giảm mạnh 47% với quý 2/2020, chi phí tài chính 42 tỷ đồng chủ yếu là chi phí lãi vay, dẫn đến lỗ sau thuế 19,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 2,1 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản PAN đến cuối tháng 6 là 5.954 tỷ đồng, Nợ phải trả tăng từ 1.964 tỷ đồng lên 3.023 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ ngắn hạn từ 810 tỷ đồng lên 1.865 tỷ đồng...
Với những đại diện hàng không, cũng phải nói đến Vietnam Airlines (VNA) dự kiến lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, sau khi đã lỗ 4.800 tỷ ở quý 1/2021.
Còn ở nhóm doanh nghiệp du lịch, nhóm đa phần hoạt động ở quy mô doanh nghiệp nhỏ, ông Nguyễn Tiến Đạt - Ceo Công ty AZA Travel cho biết: "Trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Công ty đã lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng kế hoạch này đã phải dời lại. Lần dịch bùng phát mới này thực sự khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào kiệt quệ, bởi sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao"...
Ngân hàng lãi lớn, rất cần chia sẻ với doanh nghiệp nhiều hơn
Chiếm vị trí vốn hóa lẫn tổng giá trị lợi nhuận lớn trên thị trường niêm yết, bảng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng ghi nhận những con số lãi khủng: Vietcombank đạt 13.569 tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020); VietinBank đạt 10.805 tỉ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020); Techcombank đạt 11.536 tỉ đồng (tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2020); MBBank đạt gần 8.000 tỉ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020); VPBank đạt hơn 9.000 tỉ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020)…
Các số liệu nêu trên có thể thấy rõ bức tranh đối lập nhau hoàn toàn. Nghịch lý là cùng thời gian, cùng trong một nền kinh tế hứng chịu tác động COVID-19, hoạt động kinh doanh của ngân hàng lại có đến 80% nguồn thu từ tín dụng, nhưng trong khi đó doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngưng hoạt động liên tục vượt đỉnh, thì hệ thống các ngân hàng báo lãi "khủng", lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ trong các quý, năm, tính từ 2020 đến nay. Đây là mốc buồn cho doanh nghiệp khi chưa bao giờ, họ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn như hiện tại. Trong khi đó, mối liên hệ giữa doanh nghiệp – ngân hàng vốn dĩ lâu nay được xem như cộng sinh với nhau, lại dường như đang thiếu đi một vế sẻ chia tối đa để trọn vẹn ý nghĩa cộng sinh.
Để ngành ngân hàng thực sự cộng sinh - chia sẻ với doanh nghiệp, giới chuyên môn cho rằng cần có những gỡ vướng tại các quy định liên quan đến cơ cấu nợ và giảm lãi cho doanh nghiệp. Cụ thể là Thông tư 03/2021-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà khi được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 03 mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Lý do phần lớn các khoản nợ được ngân hàng cơ cấu lại nằm trong thời hạn hoãn trả nợ cả gốc lẫn lãi chỉ trong vòng thời gian ngắn (chỉ vài tháng) nhưng sau đó yêu cầu khách hàng phải thanh khoản bằng cách cộng dồn thời gian tạm hoãn trả nợ; Như vậy chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào chân tường?.
Theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư 03, TCTD chỉ được cơ cấu số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Quy định này cũng đang làm doanh nghiệp rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Theo quy định trên, các TCTD chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân trước ngày 10/6/2020. Tuy nhiên trong thực tế, sau ngày 10/6/2020 và đến đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh tại nước ta vẫn đang hết sức phức tạp và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngưng hoạt động hay hoạt động cầm chừng.
Các ngân hàng cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành ngân hàng đã giải ngân hàng triệu tỷ đồng trong giai đoạn từ sau 10/6/2020 đến nay. Phần nhiều trong số giải ngân này đang đến kỳ hạn trả nợ. Do COVID-19 tái bùng phát, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ, vì vậy, sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ khiến ngân hàng dù muốn cũng không thể hỗ trợ khách hàng; đồng thời các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD.
Do vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đề nghị NHNN xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021).
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp