Căng thẳng tín dụng bất động sản

Thứ bảy , 11:18 09/08/2021 | Tư vấn tiêu dùng

Theo các chuyên gia, việc dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trên cả nước tăng cao sẽ tiềm ần nguy cơ cho hệ thống và các ngân hàng sẽ siết chặt hơn tín dụng cho bất động sản.

Căng thẳng tín dụng bất động sản - Ảnh 1.

Tính đến hết tháng 6/2021, tín dụng cho vay bất động sản hiện ở mức 29 tỷ ÚD.

NÓNG TRÊN CẢ HAI "MẶT TRẬN"

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước ghi nhận đến ngày 30.6.2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỉ đồng, tương đương 29 tỉ USD, tăng hơn 11.000 tỉ so với thời điểm cuối tháng 3.

Theo đó, trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng đã nêu ra nội dung đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gia tăng vay vốn ngân hàng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, tổng nợ vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà 166.561 tỉ đồng, chiếm 24,8%; và tổng nợ vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác khoảng 190.756 tỉ đồng, chiếm 28,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, tổng nợ vay đầu tư các dự án văn phòng, cao ốc cho thuê khoảng 54.946 tỉ đồng; nợ vay đầu tư các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 27.464 tỉ đồng; nợ vay đầu tư các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỉ đồng.

Tương tự, nợ vay đầu tư các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.582 tỉ đồng; nợ vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 99.547 tỉ đồng; nợ vay mua đất nền khoảng 53.164 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, một điểm đáng chú ý trong bức tranh tín dụng cho BĐS hiện nay là không chỉ dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng cao mà trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành cũng đang tăng nhanh.

Căng thẳng tín dụng bất động sản - Ảnh 2.

Cụ thể, theo số liệu từ SSI Research trong quý 2/2021, trái phiếu bất động sản đạt mức 64,4 nghìn tỷ đồng, tăng 131% so với quý 1/2021 và tăng 285% so với quý 2/2020.

Các đơn vị phát hành nhiều nhất là những thương hiệu đình đám trong "làng" bất động sản như Vingroup, Golden Hill, BIM, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Hưng Thịnh Land, Sunshine, Wonderland... Nếu tính chung nửa đầu 2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 92,3 nghìn tỷ đồng.

NGUY CƠ "BONG BÓNG" TÀI SẢN

Việc tín dụng cho BĐS đang nóng trên cả “2 mặt trận” gồm tín dụng cho vay và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu các chuyên gia nhận định sẽ có thể tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” và các ngân hàng sẽ sớm có những động thái siết chặt cho vay đối với BĐS.

Mới đây, theo kết quả cuộc điều tra “Xu hướng tín dụng” đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do NHNN tiến hành trong tháng 6/2021 cũng đã cho thấy việc trong 6 tháng cuối năm 2021 các TCTD có xu hướng “thắt chặt” hơn đối với cho vay bất động sản để ở và đầu tư kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, các TCTD dự kiến sẽ “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với hầu hết các nhóm khách hàng, trong đó ưu tiên “nới lỏng” đối với nhóm khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, trong khi vẫn dự kiến “thắt chặt” đối với lĩnh vực “Đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “Đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” và “Đầu tư, kinh doanh du lịch”.

Không chỉ “siết chặt” hơn ở kênh tín dụng cho vay, theo các chuyên gia trước nguy cơ “bong bóng” tài sản có thể có từ việc các doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu riêng lẻ, trong đó có không ít lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng chính cổ phiếu của các doanh nghiệp phát hành thì việc các ngân hàng bơm tín dụng cho các công ty chứng khoán để “ôm” trái phiếu doanh nghiệp BĐS cũng sẽ được “siết chặt” hơn.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với bức tranh phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay Bộ Tài chính nên kiểm soát chặt chẽ vấn đề phát hành trái phiếu, cẩn trọng bẫy tín dụng, khi các nhà phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ, rủi ro vỡ nợ tăng lên.

Chia sẻ quan điểm trên, mới đây ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh “cần phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

C C C C
VOV - Đài truyền hình KTS VTC