Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/08, chỉ số VN-Index giảm 4,74 điểm xuống 1.353,05 điểm. Toàn sàn có 185 mã tăng, 183 mã giảm và 43 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index giảm 0,11 điểm xuống 334,33 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 104 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm xuống 91,98 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng sụt giảm 10,85 điểm xuống 1.477,06 điểm với 7 mã tăng, 20 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.659 tỷ đồng, giảm 10,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 12% xuống 21.630 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng trên 140 tỷ đồng trên HoSE với các mã chính VHM (-0,4%), VRE (0%), SSI (0%).
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán châu Á khi nhà đầu tư lo ngại việc Trung Quốc tiến hành siết chặt hoạt động của nhiều lĩnh vực, gồm có công nghệ, thực phẩm, dược phẩm và giáo dục tư nhân…
Theo Unica, vụ mía ở Brazil bị thiệt hại nặng vì những đợt sương giá khắc nghiệt bất thường trong tháng 6 và 7 đã đẩy giá đường thế giới lên cao nhất trong 4 năm qua, giá cổ phiếu ngành đường tăng ở LSS (+4,5%), QNS (0,6%).
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết nếu không gỡ được thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu, trái lại bị cảnh báo thêm thẻ đỏ ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất 480 triệu USD mỗi năm, khiến giá cổ phiếu thủy sản giảm ở ANV (-0,3%), SEA (-0,4%).
Giá dầu thế giới giảm sau khi Chính phủ Mỹ cho biết sẽ kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, tăng sản lượng dầu nhằm hạn chế giá xăng dầu tăng, khiến giá cổ phiếu dầu khí giảm ở GAS (-1%), PVS (-0,7%).
Nhận định về thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV) cho biết việc khối lượng giao dịch có phần gia tăng mạnh hơn tại các nhịp giảm trong phiên cho thấy áp lực phân phối chưa dừng lại và rủi ro điều chỉnh tiếp tục hiện hữu. Điểm tích cực là chỉ số đã về sát vùng hỗ trợ 134x, mang lại cơ hội sớm xuất hiện nhịp hồi phục trở lại, tuy nhiên tín hiệu này hiện mới chỉ mang hàm ý T+.
“Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở lại 1 phần nhỏ tỷ trọng trading T+ khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập nhưng cần bán quay vòng trung bình giá vốn sau đó hoặc kết hợp tái cơ cấu danh mục cho các vị thế trung hạn còn nắm giữ”, chuyên gia phân tích của KBSV khuyến nghị.
CTCK MBS nhận định thanh khoản thị trường tuy giảm nhẹ so với phiên hôm qua nhưng vẫn được duy trì ở mức cao, đã có hơn 21.630 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HSX. Tuy nhiên, việc chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất phiên kèm thanh khoản cao là tín hiệu cần được quan sát.
Về kỹ thuật, thị trường tỏ ra gặp khó ở ngưỡng 1.370 điểm, áp lực chốt lời cũng như các nhịp rung lắc ở vùng này là hoàn toàn bình thường bởi thị trường cũng đã có hơn 2 tuần tăng liên tiếp. Hai phiên điều chỉnh nhẹ chưa ảnh hưởng đến đà phục hồi của thị trường, chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn duy trì dao động trong biên độ hẹp khi dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng nóng để tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu có câu chuyện như đầu tư công, chứng khoán, ngân hàng,…
Còn theo CTCK BSC, VN-Index đã có một phiên giao dịch khá giằng co giữa lực mua và lực bán nhưng cuối cùng cũng trở về với sắc đỏ vào cuối phiên. Dòng tiền đầu tư tiếp tục thu hẹp khi thị trường chỉ có 5/19 nhóm ngành tăng điểm với biên độ khá thấp. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái trung lập với thanh khoản giảm so với phiên trước cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HNX và HSX. Xu hướng suy yếu của thanh khoản quanh khi thị trường điều chỉnh về ngưỡng 1.350 điểm sẽ là một bước kiểm tra quan trọng trong ngắn hạn. Nếu thị trường hồi phục khi chạm ngưỡng 1.350 điểm, VN-Index vẫn có thể quay trở lại ngưỡng 1.380 điểm. Nếu không, thị trường có thể điều chỉnh về ngưỡng 1.330 điểm.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp