Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/8, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,01%) xuống 1.298,74 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 228 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,05 điểm (-0,91%) xuống 331,79 điểm. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 91,13 điểm.
Thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.985 tỷ đồng, giảm 11,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 14,4% và đạt 21.215 tỷ đồng. Khối ngoại giữ được trạng thái mua ròng trên HoSE đến cuối phiên với giá trị ở mức hơn 130 tỷ đồng.
Số ca nhiễm mới COVID-19 liên tục gia tăng và các tỉnh thành tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giảm điểm. Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu tôm trong tháng 7 tăng 13% so với tháng 7/2020, đạt 441 triệu USD, giúp cổ phiếu ngành tôm tăng ở FMC (+3%). Giá thép thế giới tăng sau khi Mỹ và EU đã đồng ý làm việc cùng nhau để giải quyết tranh chấp thương mại kim loại về việc áp dụng mức thuế thép và nhôm theo Mục 232 đối với các nhà xuất khẩu châu Âu vào cuối năm nay, giúp giá cổ phiếu ngành thép tăng ở HPG (+0,5%), NKG (+1,5%). Theo số liệu của Cục Hàng không, từ 19/7 đến 18/8, các hãng hàng không vận hành 1.536 chuyến trong tháng qua, giảm 59% MoM và sụt giảm 91% YoY, khiến giá cổ phiếu hàng không giảm ở HVN (-0,7%), ACV (-0,1%). Khối ngoại mua ròng SSI (-3,5%), VHM (+0,1%), VHC (+4%).
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, chuyên gia phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ số VN-Index có thể biến động trong vùng giá 1.285 – 1.300 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho thấy thị trường có thể sẽ không xuất hiện các nhịp giảm mạnh, nhưng rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng cho thấy chiến lược chủ đạo vẫn là giảm dần tỷ trọng cổ phiếu. Điểm tích cực là khối lượng giao dịch giảm mạnh, theo đó áp lực bán đã suy yếu khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức 40 – 45% danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua mới ở giai đoạn hiện tại”, chuyên gia khuyến nghị.
Còn theo các chuyên gia của CTCK KBSV, VN-Index trải qua diễn biến giảm điểm giằng co trong phiên trước khi hồi phục, lấy lại một phần điểm số đã mất về cuối phiên. Những phản ứng tích cực tại vùng hỗ trợ quanh 1.290 điểm cùng với sự tiết giảm của bên bán đã giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Mặc dù rủi ro xuất hiện thêm các nhịp rung lắc vẫn còn hiện hữu, việc hình thành mẫu nến hammer sau hai phiên giảm điểm liên tiếp giúp tăng cơ hội hồi phục cho chỉ số với vùng kháng cự gần đặt tại 131x điểm.
“Sau khi mở lại 1 phần vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể linh hoạt bán quay vòng 1 phần tỷ trọng tại các nhịp hồi phục để trung bình giá vốn cho vị thế nắm giữ”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.
Còn theo CTCK MBS, sau 3 phiên giảm gần 90 điểm của chỉ số VN-Index, đà giảm chững lại và chỉ số dao động hẹp lại là tín hiệu khả quan cho sự phục hồi. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt chỉ số VN30 phục hồi, dù lượng hàng kỷ lục về tài khoản phiên 25/8 dựa theo dữ liệu đã giao dịch cũng có thể coi như tín hiệu sớm. Do vậy, nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cố phiếu cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới khi dòng tiền đứng ngoài đã giải ngân 3 phiên liên tiếp.
CTCK BSC cho rằng thị trường có một phiên giao dịch khá giằng co quanh mốc 1.300 điểm. Dòng tiền chảy vào thị trường khi có 9/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm bán lẻ và bảo hiểm. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản thị trường suy giảm so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX và bán ròng tại HNX. Nhịp giằng co quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm có thể tiếp tục trong ngắn hạn với tâm lý cẩn trọng đang chi phối chính các hoạt động giao dịch trên thị trường.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp