Sau gần 2 tháng dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, thị trường tại các khu vực này luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoài các mặt hàng thuỷ sản, gia cầm rớt giá thảm đang được các bộ, ngành tập trung tìm phương án tháo gỡ thì trái cây cũng là mặt hàng đang rất cần sự quan tâm lúc này.
Sáng 6/8, PV VTC News liên hệ với nhiều chủ miệt vườn miền Tây, họ đều cho biết đang gặp khó khăn trong khâu xuất hàng hoá. Hàng chục tấn trái cây đủ loại đến thời kỳ thu hoạch không có người mua. Phần phải bán tháo, phần đổ bỏ cho cá ăn.
Anh Tuấn, chủ vườn nhãn ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, đây là lần đầu tiên anh gặp tình trạng nhãn rớt giá thảm như hiện tại. Thậm chí, dù đã "thả", mặc kệ giá rẻ như cho nhưng cũng không có người thu mua.
"Tầm này năm ngoái, giá nhãn cơm vàng ở mức 30.000 đồng/kg, thế nhưng hiện rớt còn 6.000 đồng/kg. Mà nói thế thôi, 6.000 đồng cũng chẳng ai thèm mua, bảo người ta cứ tự trả giá thấp hơn đi nhưng họ cũng lắc đầu.
Thật ra không phải do họ kén, mà là họ có nhập hàng về cũng không biết bán đi đâu. Tình hình chung nên chúng tôi đành chấp nhận", anh Tuấn cho hay.
Theo anh Tuấn, trước tình trạng trái cây giá rớt thảm, nhiều nhà vườn trong vùng cố nén nhãn thêm vài ngày để mong thị trường ổn định. Thế nhưng, càng nén thì nhãn càng già và tự rụng, phải đổ bỏ cho cá ăn.
"Nhà tui may mắn hơn, vườn 5 tấn nhưng bán tháo được 4 tấn rồi, còn 1 tấn này chín quá rồi, đã xác định đem đổ cho cá ăn. Nếu tính chung, thì mùa nhãn năm nay, 50% là dân tụi tui bán lỗ 6.000 đồng/kg, còn 50% còn lại đổ cho cá ăn", anh Tuấn thở dài.
Cũng theo anh Tuấn, chi phí chăm trồng cây nhãn không quá cao nhưng cũng không rẻ. Với tình hình này, nếu các năm sau được mùa, được giá, người dân cũng phải mất 2 năm mới lấy lại vốn.
Tương tự, anh Chín, chủ miệt vườn Chín Hồng (Cần Thơ) cho biết, tất cả các loại trái cây đều rớt 2/3 giá. Trong đó, chôm chôm và sầu riêng là hai mặt hàng khiến người dân lao đao nhiều nhất.
"Trước dịch, chôm chôm đang giá 27.000 đồng/kg, giờ thì bán 7.000 đồng/kg. Sầu riêng trước dịch giá 55.000 đồng/kg, giờ còn có 23.000 đồng/kg. Chưa kể chi phí chăm trồng cây sầu riêng nó tốn kém lắm. Đà này thì các vựa sầu có nước phá sản thôi, chứ tiền đâu mà trả tiền phân, tiền công", anh Chín nói.
Đối với chôm chôm là loại trái cây phải thu hoạch đúng thời gian, các chủ vườn buộc bán lỗ. Bởi nếu kéo dài thời gian, đến lúc quả úng và rụng thì còn tốn công sức thu dọn. Hiện chôm chôm đã cuối mùa, cũng vừa lúc bà con thu hoạch hết. Một mùa lỗ đậm.
Ông Nguyễn Văn Phát - Giám đốc Hợp tác xã nhãn Tích Phước (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, giá nhãn chỉ còn 8.000 đồng/kg. Các nhà vườn lỗ nặng do chi phí tăng mạnh, dù giá thấp như vậy nhưng đến nay các xã viên vẫn còn trên 40 tấn chưa tiêu thụ được.
Theo ông Phát, hiện hợp tác xã đã phản ảnh đến lãnh đạo địa phương, nhờ hỗ trợ tìm đầu ra, gỡ khó trong khâu lưu thông tuy nhiên tình hình không khả thi.
Các tỉnh ĐBSCL là một trong những vựa nông sản lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế, việc 19 địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 khiến cho khâu tiêu thụ các loại nông sản, trái cây miền Nam có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch gặp nhiều khó khăn, cần nhanh chóng tháo gỡ.
Trước tình hình này, nhiều địa phương đã có văn bản kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của bà con nông dân, kiến nghị các cấp cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn.
Theo VTCNews