Trao đổi với phóng viên, anh Hùng – chủ một căn hộ tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, anh đang rao bán căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 110m2 với giá 2,25 tỷ đồng.
Chiêu trò quảng cáo
Anh Hùng cho biết, căn hộ này gia đình anh đầu tư để cho thuê, do vị trí trung tâm, là căn hộ cao cấp nên giá thuê ngày thường mang lại lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh doanh khó khăn, anh đành “cắt lỗ” để có tiền quyết toán với ngân hàng.
Cùng cảnh ngộ, chị Minh – chủ một căn hộ chung cư trên phố Minh Khai cũng đang rao bán cắt lỗ tới 200 triệu đồng. Thậm chí, căn hộ chung cư IPH (Hà Nội) cũng đang được rao bán với giá 4,5 tỷ đồng, diện tích 93m2, chủ nhà cho biết, giá gốc mua căn hộ lên tới 6 tỷ đồng. Dự án nằm trên trục đường chính nối vào trung tâm TP nên nhiều năm nay không hề xuống giá.
"Nếu không vì dịch bệnh, tình hình kinh doanh khó khăn, tôi cũng không nỡ bán căn hộ với giá rẻ như vậy" - chủ nhà cho biết.
Trên thực tế, ngay từ thời điểm dịch bệnh bùng phát lần thứ nhất hồi đầu năm 2020, các thông tin rao bán cắt lỗ từ chung cư, đất nền đến biệt thự xuất hiện dày đặc trên các trang rao bán bất động sản với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Cắt lỗ”, “Bán cắt lỗ bất động sản”, “bán rẻ”, “bán gấp giá rẻ” đã trở thành từ khóa chủ đạo trong các bài viết quảng cáo của rất nhiều môi giới, nhà đầu tư.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà thừa nhận có những giao dịch mà người mua có thể mua được với giá tốt, giảm 3- 5%.
“Chúng ta đã biết, hiện nay khối lượng giao dịch được rất thấp vì không ai đi tới đi lui được nhiều như trước đây. Muốn giao dịch được bất động sản là cực kỳ khó nên nhà đầu tư buộc phải bán giảm giá nếu cần tiền mặt" – ông Quang cho biết. Nhưng vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đây là tỷ lệ khá ít, những nhà đầu tư vốn mạnh vẫn ôm hàng và chờ dịch bệnh qua đi.
Trong khi đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một sàn môi giới có trụ sở tại Cầu Giấy cho biết, đây hầu hết là chiêu trò quảng cáo của các môi giới hoặc nhà đầu tư để thu hút lượng người quan tâm và liên hệ.
"Trong quảng cáo, nếu chỉ đăng tin đơn thuần như “bán đất ở vị trí A, diện tích B” thì chắc chắn rất ít người mua quan tâm. Nhưng nếu thông tin đánh vào tâm lý của khách hàng như giá rẻ, cắt lỗ thì chắc chắn nhiều người nghĩ rằng họ có thể mua được căn hộ giá hời" - đại diện sàn cho biết.
"Nhiều tin rao giá chỉ bằng 60-70% giá chào bán thực của căn hộ nhưng đến khi hỏi ra, nhiều khách hàng mới tá hoả, hóa ra giá bán của căn hộ đắt hơn thông tin quảng cáo" - đại diện sàn môi giới cho biết thêm.
Giá nhà vẫn tăng
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021, Hà Nội có 24 dự án chào bán, còn TP. HCM chỉ có 11 dự án. Nguồn cung chủ yếu đến từ các khu đô thị lớn.
Doanh số bán nhà tại Hà Nội và TP. HCM tăng rất mạnh, lần lượt đạt 28% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà cũng có xu hướng tăng, đạt 16% ở TP. HCM và 7% ở Hà Nội. Đáng chú ý, tỉ lệ hấp thụ cũng rất cao, lên tới 76% cho các dự án chào bán mới tại TP. HCM.
Khảo sát ở thị trường thứ cấp của CBRE cũng cho thấy giá nhà vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng. Tại TP. HCM, các khu vực như Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức giá không giảm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội.
Trong khi đó, báo cáo tổng quan thị trường bất động sản quý II/2021 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giá nhà vẫn có xu hướng tăng nhẹ trong quý II, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý I.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam, có những nhà đầu tư từng chào bán căn hộ với giá cao hơn 30% so với chi phí đầu tư ban đầu nhưng giờ họ chấp nhận giảm từ 5-10% giá trị và thực tế thì vẫn vẫn có lãi.
"Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư giảm giá bán hoặc chịu lỗ để có thanh khoản nhanh nhưng mức giảm không đáng kể và điều này không xuất hiện như một trào lưu mà chỉ ở một số sản phẩm, một số dự án đơn lẻ" - ông Kiệt nhận định.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp