Taliban giành chính quyền ở Afghanistan quá nhanh, Tổng thống Biden và tình báo Mỹ bất ngờ

Thứ năm , 07:20 17/08/2021 | Cafe đá

Lực lượng Hồi giáo Taliban có thực lực và đã nỗ lực tấn công thần tốc. Tuy nhiên, đối thủ của họ - chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên, cũng quá yếu kém. Và tình báo Mỹ đã dự báo thiếu chính xác về sự thất thủ nhanh chóng của Kabul.

Chiến dịch thần tốc của Taliban

Việc Taliban nắm được chính quyền toàn quốc ở Afghanistan vào hôm 15/8/2021 có lẽ không phải là điều quá gây bất ngờ. Thế nhưng tốc độ sụp đổ của chính quyền Afghanistan trước các đòn tiến công của Taliban lại có thể gây choáng váng cho một số bên. Dường như trong lúc Mỹ bận rộn chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Afghanistan còn chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani mải mê đổ lỗi cho Pakistan về việc hậu thuẫn cho Taliban thì lực lượng vũ trang Hồi giáo này đã lên kế hoạch tiếp quản Afghanistan.

Taliban giành chính quyền ở Afghanistan quá nhanh, Tổng thống Biden và tình báo Mỹ bất ngờ - Ảnh 1.

Chiến binh Taliban cầm súng ngồi trong xe lấy được của đối phương. Ảnh: AFP.

Chỉ cách đây khoảng 10 ngày, Taliban đã giành chiến thắng đầu tiên khi họ đánh chiếm gọn thủ phủ Zaranj của tỉnh Nimruz nằm ở tây bắc Afghanistan. Và đến hôm 15/8, các chiến binh Taliban đã xông được vào Dinh Tổng thống ở thủ đô Kabul của quốc gia Trung/Nam Á này.

Chỉ trong một tuần lễ, Taliban đã chiếm được 26 trong số 34 tỉnh của Afghanistan, giành quyền kiểm soát đối với các cửa khẩu chính, và vây chặt thủ đô Kabul. Mặc dù một số khu vực như Herat chứng kiến giao tranh dữ dội giữa Taliban và lực lượng dân quân cũng như an ninh và quân sự của chính phủ, tại các nơi khác như Jalalabad, quân chính phủ và giới chức chính quyền đã đầu hàng mà không cần phải nổ một phát súng nào.

Yếu kém từ phía Afghanistan và Mỹ

Trong tuần qua, việc hệ thống chính quyền Afghanistan tan rã phần nhiều là do sự yếu kém của chính quyền này hơn là do sức mạnh của bản thân Taliban.

Có dấu hiệu cho thấy, bản thân chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bị bất ngờ từ khá lâu. Chính quyền Mỹ thời Biden đã nhận định nhầm rằng Taliban sử dụng sức mạnh quân sự chủ yếu để gây ảnh hưởng trên bàn đàm phán, mà không nhận ra rằng nhóm vũ trang Hồi giáo này quyết tâm cướp chính quyền bằng vũ lực.

Vào ngày 12/8/2021 (tức chỉ 3 ngày trước khi Kabul thất thủ), một quan chức quốc phòng Mỹ vẫn trích dẫn nguồn thông tin tình báo Mỹ dự báo Kabul sẽ thất thủ trong vòng 90 ngày. Vào hôm đó, Taliban đánh chiếm được các tỉnh Badghis, Ghazni, Herat, Helmand, và Kandahar.

Hôm sau, một nguồn tin ngoại giao nói với CNN rằng một báo cáo tình báo chỉ ra là Kabul sẽ bị cô lập trong vòng 72 tiếng nữa. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul được lệnh phải "tiêu hủy các tài liệu và vật dụng nhạy cảm".

Sau đó, quân Taliban đã có mặt tại cửa ngõ thành phố Kabul vào đầu ngày 15/8. Buổi tối hôm đó, Tổng thống Ghani chấp nhận từ bỏ quyền lực và bay tới Tajikistan cùng với Phó Tổng thống Amrullah Saleh. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal công bố việc "chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" cho một chính phủ chuyển tiếp.

Nhà báo Afghanistan Bilal Sarwary tin rằng việc Kabul thất thủ là do thiếu kết nối giữa ban lãnh đạo Afghanistan và các chỉ huy trên chiến trường. Việc quân Mỹ và đồng minh rút đi cộng thêm với tình trạng tham nhũng nặng nề trong bộ máy chính quyền và quân đội Afghanistan đã dẫn tới chỗ binh sĩ Afghanistan bị làm việc quá sức và thiếu các nhu yếu phẩm như khẩu phần ăn.

Thêm nữa, sự chia rẽ giữa các chính trị gia và sự ỷ lại của ban lãnh đạo Afghanistan vào tiến trình hòa bình đã có "tác động tiêu cực lên tâm lý người lính Afghanistan". Hậu quả là, nhiều quân nhân Afghanistan  không muốn chết cho một "chính quyền mục nát".

Thời gian qua, chính quyền Ghani quá bận tâm với chính trị đối ngoại chứ không phải là chiến trường. Trong tuần qua, trong lúc Taliban đang tiến quân rất nhanh thì ban lãnh đạo Afghanistan vẫn bận rộn kêu gọi trên mạng xã hội về việc cần "trừng phạt Pakistan", còn ông Ghani đổ lỗi về tình trạng an ninh xấu đi cho quyết định của Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan.

Mặc dù Pakistan có trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và nhóm vũ trang Hồi giáo Taliban, đồng thời gây ảnh hưởng nhất định lên Taliban nhưng khó có thể đổ lỗi hết cho Pakistan vì bản thân lực lượng quốc phòng-an ninh Afghanistan thường dạt sang một bên trước đà tiến công của lực lượng Taliban.

Trong khi đó, dù đã chi tới 83 tỷ USD cho thiết bị và việc huấn luyện dành cho quân đội Afghanistan, chính phủ Mỹ vẫn không xây dựng được một lực lượng chiến đấu có sức kết gắn cao.

Sự bền bỉ của lực lượng thánh chiến Taliban

Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng sự sụp đổ của chế độ Ghani hoàn toàn là điều ăn may đối với Taliban.

Một báo cáo của BBC vào năm 2018 cho thấy Taliban đã tích cực hiện diện ở vài khu vực, với dân số khoảng 15 triệu người (gần bằng nửa dân số toàn Afghanistan) sống trong các khu vực do phiến quân Taliban kiểm soát. Trong nhiều năm, Taliban duy trì một hệ thống chính quyền ngầm, tồn tại song song.

Nhóm Taliban không chỉ đạt được các thỏa thuận ở Doha (Qatar); họ còn bí mật tiếp cận các lãnh đạo quan trọng và các quan chức của lực lượng quốc phòng-an ninh Afghanistan ở cấp làng, khu, và tỉnh thông qua gia đình, bạn bè, và bộ lạc.

Có báo cáo cho hay tỉnh trưởng Ghazni Daud Laghmani - chỗ bạn thân với Tổng thống Ghani, đã chào đón chỉ huy của Taliban bằng hoa, còn một đồng minh khác của ông Ghani lại được Taliban bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng Kabul.

Tự tin trước việc quân đội nước ngoài rút đi và biết cách tận dụng yếu kém của giới lãnh đạo Afghanistan, tổ chức Taliban đã giành lại được chính quyền mà quân Mỹ tước mất của họ cách đây tới 20 năm.

Tuy nhiên dù ai thắng ai thua thì người dân Afghanistan vẫn là đối tượng hứng chịu nhiều khổ đau.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính gần 400.000 người dân Afghanistan đã bị thay đổi chỗ ở bên trong lãnh thổ Afghanistan kể từ đầu năm 2021, khi Taliban mở chiến dịch tấn công vào chính quyền của Tổng thống Ghani. Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối các vấn đề nhân đạo cũng đã xác nhận rằng chỉ trong hơn một tháng (từ ngày 1/7 đến 12/8), đã có 10.350 người dân Afghanistan phải di cư ngay trong nước này. Và đây có lẽ lại là sự khởi động cho một cuộc xung đột dài lâu nữa.

Theo VOV

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC