Xin ý kiến Bộ Chính trị về tổ chức kỳ họp đầu năm 2022
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhất trí thông qua 3 nội dung cơ bản để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1/2022.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự và thủ tục rút gọn.
Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư toàn bộ dự án này bằng hình thức đầu tư công. Chính phủ cần bổ sung, làm rõ một số vấn đề của dự án để bảo đảm thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Riêng nội dung cho ý kiến lần hai đối với gói giải pháp tài khóa và tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết luận tại đợt 1, Chính phủ đã tiếp thu tối đa và đã có báo cáo đầy đủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định. Nội dung này chờ ý kiến của Bộ Chính trị, do đó đề xuất sẽ bố trí một buổi riêng trong tháng 12 để xem xét, quyết định.
“Những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ nhất cơ bản đã sẵn sàng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo chủ trương, xin ý kiến Bộ Chính trị về tổ chức kỳ họp bất thường, dự kiến tổ chức bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 4/1/2022” – ông Vương Đình Huệ cho biết.
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền
Cũng tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, thuộc thẩm quyền đã được Quốc hội ủy quyền theo Nghị quyết 30.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc gia hạn thời gian lưu trữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Thứ hai là quyết định cho phép thực hiện một số chính sách khác quy định của luật trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung nhằm cụ thể hóa chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 161, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét, cho ý kiến và kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một đề án trong 107 nhiệm vụ trong chương trình công tác của Quốc hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về việc sửa đổi Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí, trước mắt trong giai đoạn 1, chỉ điều chỉnh một số mức chi không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và quy định của pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội.
Trong giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, tổng thể, đồng bộ, phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.