Chủ Nhật, 06:00, 26/12/2021
Những tuyến đường vành đai hiện đại thay đổi diện mạo Thủ đô năm 2021
VOV.VN - Nhiều tuyến đường vành đai, nút giao hiện đại, giao thông đường sắt thông minh đã và đang hoàn thành trong năm 2021, góp phần thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô.
Dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức được thông xe vào ngày 9/1/2021.
Chính thức hoàn chỉnh nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 1,5 km, kết nối với đường Cổ Linh, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành giúp các phương tiện giao thông ra, vào nút giao được thuận lợi, an toàn và đồng bộ mạng lưới đường giao thông, phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Trong tháng 1/2021, dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy 2 song song với cầu Vĩnh Tuy 1.
Công trình dài 3,5 km, rộng 19,25 m, với 4 làn xe. Điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).
Cầu Vĩnh Tuy 2 là công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2; đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Công nhân làm việc ở các trụ cầu vượt qua trở ngại điều kiện thời tiết sương mù để đảm bảo tiến độ công trình.
Nhiều trụ cầu bên phía quận Long Biên đã được kết nối mặt sàn bê tông. Dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023.
Tuyến đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) được khởi công xây dựng tháng 4/2018 có chiều dài gần 5,1 km bao gồm tuyến đường bộ trên cao, kết hợp mở rộng phần đường bên dưới Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.
Đường vành đai 2 đoạn qua nút giao Minh Khai - Đại La.
Phần đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở có chiều dài hơn 5km.
Đường vành đai 2 đoạn Trường Chinh - Ngã Tư Sở.
Đường vành đai 2 trên cao đoạn Trường Chinh- Ngã Tư Sở đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2023.
Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công từ tháng 5/2018 và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.
Phần lớn các hạng mục đã hoàn thiện.
Dự kiến, tuyến vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, Hà Nội) sẽ được bàn giao vào cuối năm 2021.
Sau nhiều năm lỡ hẹn, ngày 6/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GT-VT bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội để chính thức khai thác thương mại.
Tuyến 13,05 km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương - quận Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tàu.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành khai thác với kỳ vọng làm thay đổi thói quen giao thông công cộng, giảm ùn tắc, hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc xây dựng các tuyến đường vành đai hiện đại, Thành phố Hà Nội cũng thực hiện xén dải phân cách mở rộng không gian, xây dựng cầu vượt qua các nút giao được cho là những giải pháp tốt trong ngắn hạn, nhằm giảm thiểu áp lực giao thông đô thị.
Thực tế sau khi được xén dải phân cách, mở rộng lòng đường đã giảm tải giao thông khá hiệu quả.
Trong năm 2021, Hà Nội tiếp tục thực hiện xén mở rộng lòng đường, nút giao thông, điều chỉnh kích thước đảo giao thông trên 10 tuyến phố để tạo diện tích giao thông, tăng kết nối giữa các tuyến đường, tại các tuyến đường: Liễu Giai - Văn Cao, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Tôn Thất Thuyết.
Theo VOV