Nhiều Bộ, ngành vi phạm trong quản lý nhà, đất

Thứ năm , 06:45 24/08/2021 | Cafe đá

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ rõ một số Bộ, cơ quan trung ương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm…

Nhiều Bộ, ngành vi phạm trong quản lý nhà, đất - Ảnh 1.

KTNN cũng chỉ ra việc nhiều cơ quan Trung ương thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định. Rạp xiếc Trung ương. Ảnh: Internet

Tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm chưa được xử lý

Cụ thể, tại Bộ GTVT có cơ sở đào tạo Lái xe phường Phú Thịnh, Sơn Tây thuộc trường Cao đẳng GTVT Trung ương I do gia đình người dân chiếm dụng 140,5m2 từ năm 1996; Bộ Nội vụ có 2 đơn vị thuộc Cục Văn thư LTNN (Trung tâm LTQG II - 113 Đông Hưng Thuận, quận 12, TP. HCM, Trung tâm LTQG IV - K2 Đà Lạt) giao cho cán bộ, viên chức sử dụng đến nay chưa thu hồi được.

Đối với Bộ Xây dựng, tại Văn phòng Bộ chưa làm các thủ tục di dời nơi làm việc của 2 doanh nghiệp đang sử dụng nhà 5 tầng nguồn gốc góp vốn đầu tư xây dựng từ năm 1995. Còn tại Bộ NN&PTNN, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 407,2ha đất lấn chiếm. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam có 241,6ha đất đang tranh chấp.

Bộ GD&ĐT có Viện Nghiên cứu thiết kế trường học cho Công ty xây dựng trường học (nay là Công ty xây dựng Đông Dương) sử dụng trụ sở từ năm 2010 đến nay chưa thu hồi được. Bộ Y tế còn tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất làm nhà ở trong suốt thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm theo quy định tại Điều 13, 15 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, tổng diện tích 7.820,2m2.

Ngoài ra, trường Cao đẳng Xây dựng TP. HCM, trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, Viện Kiến trúc Quốc gia chưa xử lý di dời các hộ dân đã ở từ nhiều năm trước để thu hồi đất tại các trụ sở…

Cũng theo KTNN, một số Bộ, cơ quan trung ương chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Cụ thể, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đến thời điểm 31/12/2019, mới có 114/505 cơ sở nhà đất đã thực hiện rà soát, kê khai, sắp xếp lại nhà đất (tương đương 22,5%), trong đó mới có 99 cơ sở nhà đất đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà đất.

Bộ Nội vụ có 11 cơ sở nhà, đất của 10 đơn vị tại 8 tỉnh thành chưa xây dựng phương án sắp xếp, xử lý các loại tài sản công theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; 3 cơ sở nhà, đất của 2 đơn vị đã hoàn thành việc kê khai, đề xuất phương án sắp xếp xin trình UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính phê duyệt (đến thời điểm kiểm toán chưa có ý kiến trả lời).

Bộ VHTT&DL đến thời điểm kiểm toán còn 46 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các địa phương chưa thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo quy định. Tổng cục Hải Quan còn 49 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt trong phương án sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, trong đó 28 cơ sở đã báo cáo Bộ Tài chính và 21 cơ sở chưa báo cáo Bộ Tài chính.

Ngay cả Bộ TN&MT cũng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 87/680 cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng, gửi cơ quan quản lý cấp trên theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Nhiều Bộ, ngành vi phạm trong quản lý nhà, đất - Ảnh 2.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 407,2ha đất lấn chiếm. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Liên danh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định

Đáng chú ý, KTNN cũng chỉ ra việc thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định. Cụ thể, theo KTNN, một số đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sử dụng tài sản đất còn chưa đúng quy định, liên kết, hợp tác góp vốn kinh doanh có nguy cơ mất kiểm soát về quản lý diện tích đất được giao.

Tại Bộ VHTT&DL tính đến thời điểm 31/12/2019 có 33 đơn vị sử dụng tài sản thực hiện liên kết kinh doanh cơ sở vật chất thời gian từ 1 đến 10 năm, mục đích liên kết hoạt động dịch vụ (cafe và dịch vụ phụ trợ…), tổng số tiền thu được từ hoạt động này trong năm 2019 là 117,383 tỷ đồng.

Trong đó, số thu tại các đơn vị được Bộ này chấp thuận là 68,272 tỷ đồng, số thu của các đơn vị chưa có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê là 49,111 tỷ đồng, một số nội dung chưa đúng theo quy định như: ký hợp đồng cho thuê đất, tài sản trên đất nhưng giá cho thuê chưa thực hiện đấu giá theo Điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Viện khoa hoạc TDTT...).

Ngoài ra, tại Bộ GTVT, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế… việc thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định.

Cũng theo KTNN, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm, nhất là Tòa án nhân dân tối cao với 9 cơ sở nhà, đất dôi dư đang làm thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có văn bản cho phép bán của Bộ Tài chính, đến nay chưa thực hiện xong.

Trong đó có cơ sở nhà đất tại phường Cao Xanh, TP. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đang cho Công an tỉnh Quảng Ninh mượn từ ngày 11/6/2018, tại thời điểm kiểm toán đơn vị chưa cung cấp được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng của cấp có thẩm quyền đối với các cơ sở nhà đất chuyển quyền sử dụng đất gắn với chuyển mục đích sử dụng đất.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, hiệu quả sử dụng tài sản là nhà, đất chưa cao như Bộ GTVT có Cục Hàng không Việt Nam đang quản lý cơ sở đất số 200/10/2 phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội diện tích 9.075,8m 2, với mục đích làm khu thể dục thể thao của ngành, song việc giao quản lý và sử dụng cơ sở đất chưa phát huy hiệu quả, Cục đã có Văn bản gửi Bộ GTVT về phương án hoàn trả lại cho địa phương nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC