Không thể phủ nhận rằng cái giá mà Mỹ phải trả ở Afghanistan trong cuộc chiến kéo dài 20 năm đằng đẵng là rất lớn. Nhiều lớp binh lính Mỹ đã đổ máu tại đất nước này. So sánh với mạng người, tiền bạc và vật chất dường như không đáng kể.
Tuy nhiên, nhìn vào hình ảnh người dân tràn ra sân bay Kabul, cố gắng chạy trốn khỏi sự cai trị của Taliban trong tuyệt vọng, thì số tiền khổng lồ mà Mỹ đã bỏ ra để xây dựng Afghanistan trở thành một nền dân chủ tự do xứng đáng được kiểm toán kỹ lưỡng. Nếu không, những bài học có thể bị lãng quên và sai lầm bi thảm sẽ lặp lại.
Chi phí khổng lồ, quốc gia không phát triển
Nền tảng của tất cả các nỗ lực xây dựng một quốc gia là an ninh. Nếu người dân không cảm thấy an toàn, thì sự bất ổn và nạn tham nhũng sẽ ngày càng leo thang trong khi nền kinh tế dần suy tàn.
Quay trở lại năm 2001, thời điểm nền kinh tế của Afghanistan rơi vào tình trạng điêu tàn do hậu quả của hơn hai thập kỷ chiến tranh xảy ra trước cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vào tháng 10 cùng năm.
Kể từ đó tới nay, Mỹ đã rót 2,26 nghìn tỷ USD vào Afghanistan. Trong đó, “Dự án chi phí chiến tranh” tại đại học Brown là khoản chi tốn kém nhất. Dự án chiếm tới gần 1 nghìn tỷ USD, do ngân sách hoạt động tại nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ chi trả. Đứng thứ hai là khoản 530 tỷ USD dùng để thanh toán lãi suất cho số tiền mà chính phủ Mỹ vay để tài trợ cho chiến tranh.
Nhưng bất chấp hàng nghìn tỷ USD mà Mỹ đầu tư vào Afghanistan, quốc gia này vẫn là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất thế giới. Năm ngoái, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết 90% dân số có mức sống dưới 2 USD/ngày.
Trong khi đời sống của thường dân khó khăn thì những hoạt động kinh tế phi pháp lại nở rộ.
Sau khi quân Mỹ đẩy lùi Taliban vào năm 2001, Afghanistan đã vững chắc ngồi vào vị trí nhà cung cấp thuốc phiện và heroin hàng đầu thế giới, vị thế này có xu hướng được duy trì ngay cả sau khi Taliban giành lại chiến thắng.
Vì sao Mỹ thất bại?
Kể từ năm 2001, Mỹ đã chi hơn 144 tỷ USD để tái thiết Afghanistan. Phần lớn số tiền đó được chuyển cho các nhà thầu tư nhân và tổ chức phi chính phủ để thực hiện những dự án nhằm xây dựng lực lượng an ninh của Afghanistan, cải thiện năng lực điều hành đất nước, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và bài trừ nạn mua bán ma túy bất hợp pháp.
Thất bại lớn nhất, và cũng là khoản chi tốn kém nhất, trong những nỗ lực tái thiết đó là 88,3 tỷ USD được chi vào việc đào tạo và trang bị cho quân đội Afghanistan từ tháng 5/2002 đến tháng 3 năm nay.
Quân đội Afghanistan được giao nhiệm vụ đẩy lùi Taliban và các mối đe dọa khác tới chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, như al-Qaeda và ISIS. Nhưng việc lực lượng 300.000 quân nhanh chóng hạ vũ khí trước sự tiến công của Taliban đã phản bội niềm tin của các binh sĩ nước này vào thể chế mà họ phục vụ và chính phủ mà họ thề sẽ bảo vệ.
Nhằm mục đích cải thiện hiệu quả đầu tư vào Afghanistan, năm 2008, quốc hội Mỹ thành lập SIGAR – tổ chức Thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan. Công việc của SIGAR là kiểm toán và đánh giá các nỗ lực tái thiết của Washington tại quốc gia Trung Đông này.
Năm 2017, báo cáo của SIGAR về các nỗ lực huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan của Mỹ cho thấy Washington ước tính không chính xác khả năng phục hồi của quân nổi dậy và đánh giá quá cao năng lực của các lực lượng chính phủ Afghanistan.
SIGAR cũng cho rằng Mỹ đã sai lầm khi cố gắng kết hợp các hệ thống quản lý và vũ khí tiên tiến của phương Tây với lực lượng binh lính phần lớn mù chữ của Afghanistan, khiến nước này phụ thuộc vào quân Mỹ thay vì tạo ra một quân đội Afghanistan có thể chiến đấu độc lập. Ngoài ra, công tác huấn luyện của Mỹ còn bỏ qua “các yếu tố vô hình”, chẳng hạn như “tham nhũng” và “ý chí chiến đấu”.
Tháng trước, SIGAR công bố bản báo cáo lần thứ 10 về “bài học kinh nghiệm” ở Afghanistan dài 324 trang. Theo đó, “trong những môi trường hỗn loạn và khó đoán như Afghanistan, việc thực hiện công tác giám sát kém hoặc không đúng cách có thể đe dọa đến mối quan hệ với cộng đồng địa phương, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân viên chính phủ và dân thường của cả Mỹ và Afghanistan, đồng thời làm suy yếu các mục tiêu chiến lược”.
Tác giả của bản báo cáo, Tổng thanh tra SIGAR John F Sopko, cho rằng những nội dung này có thể hữu ích cho Mỹ trong các cuộc chiến trong tương lai. Còn đối với Afghanistan, những lời khuyên đó đã đến quá muộn.
Chính phủ Afghanistan mà Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ giờ đã sụp đổ. Tổng thống Ashraf Ghani phải bỏ trốn khỏi đất nước trong khi các tay súng Taliban tràn vào dinh Tổng thống ngày 15/8. Sau tất cả, khoản đầu tư 2 nghìn tỷ USD chỉ mang lại cho Mỹ một kết thúc hỗn loạn cho cuộc chiến kéo dài 20 năm.
Theo VTCNews