Mới đây, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 Nanocovax.
Tại cuộc họp, đại diện Học viện Quân Y - đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng cả 3 giai đoạn vaccine COVID-19 Nano Covax, đã báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 sau khi có thêm kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm độc lập tại nước ngoài.
Theo đó, kết quả thử nghiệm trên gần 14.000 tình nguyện viên cho thấy vaccine COVID-19 Nanocovax an toàn, tính sinh miễn dịch và có hiệu quả bảo vệ đối với người tiêm. Đặc biệt, sau 42 ngày tiêm hiệu quả bảo vệ đạt trên 85%.
Liên quan đến những phản ứng bất lợi sau tiêm, có 71% người tiêm có phản ứng: sưng, đau, sốt và có 1 trường hợp phản ứng độ 2. Vì vậy, các chuyên gia yêu cầu bên cạnh tính hiệu quả, nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá lại độ an toàn của vaccine để tránh những trường hợp không mong muốn có thể xẩy ra.
Hiện tại, vaccine COVID-19 Nanocovax đang hoàn tất mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng. Đáng chú ý, qua các giai đoạn thử nghiệm với hàng vạn tình nguyện viên tham gia, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc, thiếu tướng giáo sư tiến sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y, giám đốc dự án thử nghiệm Vaccine Nano Covax cùng gia đình, đã chứng minh hiệu quả của loại vaccine này mà không có rủi ro.
Nhìn lại, trong suốt nhiều tháng qua, hàng trăm cuộc điện đàm, đàm phán đã được thực hiện giữa Chính phủ Việt Nam với các nước. Từ người đứng đầu Chính phủ đến lãnh đạo các Bộ, ngành, mọi cuộc tiếp xúc trực tuyến đều có chung một mục đích: Mang vaccine về nhanh nhất có thể. “Ngoại giao vaccine” đã trở thành đề tài quen thuộc được nhắc đến khi cập nhật về tình hình tiêm chủng.
Nhưng từ chính những nỗ lực trên, chúng ta cũng thấy được bất cập từ sự phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ bên ngoài. Thiếu ổn định về cả số lượng lẫn thời gian, tốc độ tiêm chủng đến nay chỉ đạt trung bình 100.000 mũi/ngày, với tiến độ như vậy thì phải mất đến… 40 tháng mới có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng 70% dân số.
Hơn nữa, khi dịch bệnh không chờ đợi ai và các hãng sản xuất vaccine COVID-19 cũng tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Mới đây, hãng Pfizer và Moderna tăng giá vaccine COVID-19 (khoảng 25 USD). Tính ra, với mức gia đó và phải tiêm mỗi năm 3 liều, thì mỗi người sẽ phải trả đến 75 USD mỗi năm. Còn nếu giá tăng lên 175 USD, thì mỗi người phải trả đến 525 USD mỗi năm.
Đây thực sự là một tin đáng suy nghĩ với các nước nghèo. Để tiêm chủng đủ cho 70% dân số Việt Nam có lẽ sẽ tốn đến khoảng 35 tỷ USD Mỹ! Nên nhớ rằng tổng thu nhập quốc dân năm 2020 của chúng ta chỉ là 271 tỷ USD Mỹ.
Trong bối cảnh đó, bắt buộc Việt Nam phải tìm cách có được vaccine của mình. Và một tin đáng mừng là chúng ta có Nanocovax đã vào giai đoạn 3 và đang triển khai giai đoạn 3 với 500 ngàn đến 1 triệu người tham gia thử nghiệm. Ngoài Nanocovax ra cũng đang có một vài vaccine khác bắt đầu các bước thử nghiệm trên người.
Cũng thật mừng là mức độ an toàn và thời gian thử nghiệm được đảm bảo. Nói vậy, vì ngoài con số an toàn đã được công bố thì vaccine Nanocovax được bào chế bằng công nghệ mRNA mới nhất của thế giới, tương tự Pfizer và Moderna. Nên chúng ta cũng có thể phần nào yên tâm về hiệu quả, trong khi chờ đợi kết quả chính thức từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Nhìn xa hơn chút, từ 6 năm trước, năng lực sản xuất vaccine của chúng ta đã được WHO công nhận đạt chuẩn thế giới, kết quả đánh giá độc lập của 14 chuyên gia hàng đầu về Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA), cho thấy khả năng của ngành vaccine Việt Nam không hề thua kém các quốc gia khác. Lịch sử cũng từng chứng kiến những “kỳ tích” như Rotavin M1 (ngừa virus Rota), vaccine Viêm não Nhật Bản Jevax…
Hãy đặt niềm tin ấy vào khoa học, vào chính sức mạnh của chúng ta. Niềm tin của cả đất nước Việt Nam có thể nói nằm rất nhiều ở sự ra đời của vaccine “made in Vietnam”.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp