Hàng bình ổn nhưng giá... vẫn tăng

Chủ nhật , 09:00 10/08/2021 | Thị trường

Tại Hà Nội trong vài ngày qua, nhiều mặt hàng rau quả ở một số chợ dân sinh các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… tiếp tục tăng cao so với những ngày trước đó.

Đặc biệt là mặt hàng trứng gia cầm sau khi tăng gấp đôi, lại tăng tiếp 30% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại siêu thị trên phố Kim Liên quận Đống Đa ngày 8/8, giá trứng gà ta đã tăng lên là 60.000 đồng/một chục quả, tăng 10.000 đồng so với hai ngày trước đó. Đậu Hà Lan có giá 100.000 đồng/kg, củ cải giá 21.000 đồng/kg… Mặt hàng thị lợn, thịt bò cũng nhích lên so với mấy ngày trước đó.

Hàng bình ổn nhưng giá... vẫn tăng - Ảnh 1.

Mặt hàng trứng gia cầm sau khi tăng gấp đôi, lại tăng tiếp 30%.

Cụ thể, thịt lợn nạc vai có giá 165.000 đồng/kg, thịt thăn có giá 170.000 đồng/kg, sườn sụn bán giá 199.000 đồng/kg… Chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm giá nhiều mặt hàng đều tăng so với ba ngày trước đó.

Ở quận Hai Bà Trưng, giá trứng là 55.000 đôngf/chục, giá đỗ 40.000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/mớ. Tại chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), bắp cải có giá 15.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), bí xanh 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng)...

Việc tăng giá một số loại rau củ, đặc biệt là trứng được cho là do các chợ đầu mối chuyên cung cấp nông sản như chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên, chợ Minh Khai đang phải dừng hoạt động do liên quan các ca nhiễm COVID-19.

Đại diện một chuỗi siêu thị tại Hà Nội cho biết, mặc dù doanh nghiệp cố gắng kiểm soát để mức tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng, tuy nhiên giá một số mặt hàng tươi sống vẫn tăng so với những ngày trước đó. Lý do bởi nguồn cung hạn chế, cước vận tải cùng chi phí của các doanh nghiệp liên quan tăng đã khiến giá đầu vào của nhiều mặt hàng là lương thực thực phẩm tăng.

Mặc dù có sự giải thích về việc tăng giá trên của tiểu thương các chợ và một số siêu thị, nhưng dư luận sẽ phải đặt câu hỏi: “Tại sao công bố dự trữ hàng hóa tăng gấp bội so với lúc bình thường để phục vụ chống dịch, nếu hàng hóa dồi dào như vậy tức là cung đầy đủ, cầu thì có hạn nhất định mà làm sao giá lại tăng?”.

Do đó, về nguyên tắc bình ổn giá, theo tôi, có 4 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, phải có lực lượng hàng hóa mang tính áp đảo thị trường.

Thứ hai, hàng hóa đó phải rải đều đặn ở các kênh phân phối, mạng lưới phân phối của thành phố. Kinh nghiệm như ở TP.HCM, trứng gà của bà Ba Huân với số lượng áp đảo và kiên quyết không tăng giá từ khi thành phố có dịch đến nay, cho nên giá trứng gà vẫn tương đối ổn định.

Tôi đi khảo sát thực tế tại một số siêu thị ở Hà Nội và nhận thấy, mặc dù có công bố chuẩn bị hàng triệu quả trứng/ngày nhưng lượng trứng bán ra ở chợ và siêu thị không nhiều, hoặc lúc có lúc không.

Hàng bình ổn nhưng giá... vẫn tăng - Ảnh 2.

Cần tổ chức nguồn cung và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội khoa học hơn.

Đây có phải là nguyên nhân chính để giá mặt hàng thiết yếu này bị đẩy lên gấp 2-3 lần trong một tháng nay. Các mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự.

Qua tình hình trên cho ta một nhận xét. Về mặt khách quan, có thể là do chuỗi cung ứng những hàng hóa đó có lúc bị đứt đoạn, số chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị bị tạm thời đóng cửa để dẫn tới việc phục vụ tiêu dùng cho nhân dân thủ đô chưa được đều đặn.

Ngoài ra, chúng ta cũng công nhận một yếu tố nữa là chi phí vận chuyển, giao nhận mặt hàng trứng và một số mặt hàng khác có tăng lên trong mùa dịch.

Còn yếu tố chủ quan là sự điều phối nơi thừa sang nơi thiếu của thành phố chưa được nhịp nhàng, ăn khớp dẫn tới thiếu hàng cực bộ làm cho giá bị đẩy lên. Riêng mặt hàng thịt lợn, tuy giá lợn hơi có giảm 50% song giá cả ở khâu bán lẻ bị đẩy lên cao là do chi phí trung gian mà nhiều chuyên gia đã đề cập tới.

Qua tình hình trên, tôi đề nghị TP Hà Nội cần xem xét một cách thấu đáo việc tổ chức nguồn cung và tổ chức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn một cách khoa học hơn, kịp thời hơn nhằm ổn định một cách tương đối giá cả những mặt hàng thiết yếu trong lúc có dịch cũng như thời kỳ phục vụ tiếp theo làm cho việc bình ổn giá thực sự hiệu quả và đem lại nềm tin cho người tiêu dùng thủ đô trong những lúc khó khăn chung này.

Đây cũng là bài học chung cho các thành phố lớn trong cả nước thực hiện công tác bình ổn gái hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC