Đối với khách hàng Việt Nam, những đôi dép tổ ong không còn xa lạ. Thế nhưng có lẽ không nhiều người nghĩ rằng có một ngày dép tổ ong trở thành "hàng hot". Vậy mà điều này đã trở thành hiện thực. Sản phẩm dép tổ ong của một công ty như Việt Thắng đã chốt được hàng nghìn đơn mỗi tháng trên sàn Sendo.
Theo chia sẻ từ công ty Việt Thắng, dù số lượng 3.000 - 5.000 đơn hàng mỗi tháng không phải là quá cao, thế nhưng cũng đã rất ổn so với một doanh nghiệp mới lên sàn. Thậm chí trong đợt sale 8/8 của Sendo, dép tổ ong còn trở thành một trong những sản phẩm Việt Nam tiêu biểu. Vậy nên dù chỉ có 60 nhân công, thế nhưng công ty này vẫn sống tốt qua mùa dịch.
Không chỉ hot trên sàn thương mại điện tử, dép tổ ong còn lấn sân Tiktok khi tài khoản của giày dép Việt Thắng đã có hơn 10.000 lượt theo dõi. Đây cũng là cách quảng cáo, tiếp thị hướng đến những đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
Lý giải về hiện tượng này, nguyên nhân lớn nhất có lẽ vì… dịch! Dịch đến, mọi người không du lịch, cũng không đến công ty làm việc. Do vậy, họ không mặn mà với những món đồ công sở hay những bộ cánh “sang chảnh”. Thay vào đó, họ muốn tìm đến những thứ gọn nhẹ, đơn giản, dễ mặc, dễ xỏ. Và dép tổ ong thuộc kiểu “thời trang” như vậy. Dù kiểu dáng không phải thuộc loại “nhã nhặn, lịch sự”, thế nhưng đi rất thoải mái và tiện dụng.
Một trường hợp tương tự chính là hãng “dép tổ ong của Mỹ” đình đám Crocs. Hãng giày nổi tiếng “xấu và nhiều lỗ” (giống như dép tổ ong) phất mạnh mùa dịch nhờ tính tiện dụng và thoải mái của mình.
Những mẫu giày của Crocs đi êm chân, không bị bó buộc như các mẫu giày công sở, tiện lợi vì xỏ chân dễ dàng, đi được nhiều nơi, giống như dép tổ ong của Việt Nam. Vậy nên trong thời đại người người ở nhà làm việc và ưu tiên tiêu chí “thoải mái đánh chết cái đẹp”, Crocs đã trở thành hàng hot, đem về doanh thu trung bình 120 triệu USD mỗi tháng cho thương hiệu này.
Ở chiều ngược lại, những thương hiệu đồ công sở như J.Crew, Tailored Brands, v.v. lại suýt đi đến bờ vực phá sản. Doanh số giày da kiểu dáng lịch sử cũng sụt giảm nhanh chóng. Thay vào đó, các món như dép lê, quần thun thể thao lên ngôi.
Hai ví dụ của dép tổ ong và giày Crocs đã phần nào phản ánh xu hướng thời trang trong mùa dịch. Dịch bệnh đến, du lịch đình trệ, đến công ty làm việc cũng trở nên xa xỉ. Vậy nên người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm những món đồ sang trọng, lịch sử. Thay vào đó, vì chỉ ở nhà, họ hướng đến những sản phẩm đề cao sự thoải mái, tiện lợi. Còn đẹp hay không thì chắc cũng chẳng quá quan trọng, vì vốn dĩ cũng chẳng có người bên ngoài nhìn!
Dự báo trong thời gian tới, các món đồ thoải mái sẽ tiếp tục phát triển và lên ngôi ở thị trường Việt Nam. Do đó các thương hiệu thời trang, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc cần bắt trend thật tốt để có thể sống vững qua mùa dịch. Sản phẩm chỉ là nhất thời, còn mối quan hệ khách hàng mới là lợi ích lâu dài nhất. Vậy nên thị trường muốn gì thì hãy đáp ứng ngay, để có thể giữ vững mối quan hệ với khách hàng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp