Lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, "Đào, phở và piano" là bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn, do Hãng Phim truyện I sản xuất, tái hiện sinh động cuộc sống của người dân Hà Nội trong những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy hào khí.
Phim không chỉ khắc họa chân thực tính chất khốc liệt của trận chiến lịch sử, mà qua những câu chuyện tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, khán giả cảm nhận được tinh thần yêu nước nồng nàn, sự kiên cường bất khuất của người Hà Nội.
Các nhân vật là cô gái, chàng trai, ông họa sĩ, cậu bé đánh giày, người bán phở - những người ở lại khu phố, trong khi tất cả đi sơ tán. Đối diện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, họ vẫn lạc quan, giữ tình yêu cuộc sống, con người, cái đẹp.
Hình ảnh đào, phở, piano - những nét đặc trưng của thủ đô - xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Hoa đào thường được người dân sắm vào dịp Tết. Phở là món ăn không thể thiếu của người Hà Nội. Giữa khung cảnh hoang tàn, tiếng piano vang lên gửi gắm mong ước của quân dân về độc lập, biểu hiện tình yêu nghệ thuật, tính cách lãng mạn của người Hà Nội. Bộ phim không chỉ đơn thuần là một câu chuyện giải trí mà còn mang đậm giá trị lịch sử, giáo dục.
Trailer Phim Đào, Phở và Piano
Phim có sự tham gia của NSND Trung Hiếu, đạo diễn, NSND Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...
"Đào, phở và piano" từng đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2023. Đặc biệt, bộ phim đã được chọn đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển của giải Oscar lần thứ 97 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, "Đào, Phở và Piano" được chọn chiếu miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội, từ ngày 6 - 10.10, và lại gây ra cơn sốt khi vé tất cả các buổi chiếu được phát hết chỉ trong đầu giờ sáng 4.10. Trước đó, phim từng tạo ra cơn sốt săn vé dịp đầu năm 2024.
Việc Đài truyền hình KTS VTC phát sóng bộ phim đúng vào tháng 10 lịch sử năm nay là điều vô cùng ý nghĩa, để nhân dân Thủ đô và cả nước được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh về 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1946 - 1947.
Thanh Lưu