World Cup 2022 sẽ ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại, giúp tăng tính chính xác của các trận đấu cũng như để khán giả có thêm trải nghiệm mới.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động
FIFA trình làng công nghệ bắt việt vị bán tự động vào năm 2019 và thử nghiệm tại Arab Cup 2021 (tổ chức tại Qatar). Ở FIFA World Cup Club diễn ra đầu năm nay, công nghệ này cũng được đưa vào ứng dụng để tính toán hiệu quả.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động sử dụng 12 camera theo dõi chuyên dụng gắn bên dưới mái sân vận động để theo dõi chuyển động của quả bóng và 29 điểm dữ liệu của từng cầu thủ, với tốc độ phân tích 50 lần mỗi giây, qua đó tính toán vị trí chính xác của họ trên sân.
Quả bóng World Cup, có tên Al Rihla, sẽ chứa một cảm biến truyền dữ liệu đến phòng điều hành video với tốc độ 500 lần mỗi giây. Công nghệ này sẽ cho phép hệ thống bắt việt vị vừa theo dõi chuyển động của từng cầu thủ, vừa xác định điểm bóng rời chân trong thời gian thực bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo.
FIFA ước tính công nghệ bắt việt vị bán tự động sẽ giúp cắt giảm thời gian đưa ra quyết định từ mức trung bình 70 giây bằng việc xem lại băng hình ngoài đường biên hiện tại xuống còn từ 20 đến 25 giây.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định sự phát triển của công nghệ giúp bóng đá được cải tiến. Ônng nhấn mạnh VAR là 'dấu chấm hết' cho những bàn thắng đáng ra bị từ chối vì lỗi việt vị. " Hệ thống VAR mang đến thành công không thể chối cãi. Mô hình mới sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa ", ông Infantino chia sẻ.
Video: Công nghệ bắt việt vị bán tự động hoạt động ra sao?
World Cup 2022 ứng dụng những công nghệ gì - VnExpress Số hóa
Ứng dụng thông tin hiệu suất cầu thủ
FIFA phối hợp với FIFPRO (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp) để phát triển ứng dụng FIFA Player nhằm quản lý hiệu suất cầu thủ. Ngay sau các trận đấu tại World Cup 2022, hiệu suất thi đấu của các cầu thủ sẽ được cập nhật trên ứng dụng để cầu thủ có thể tham khảo, nghiên cứu và hiểu hơn về màn trình diễn của bản thân.
Ứng dụng FIFA Player cho phép cầu thủ truy cập dữ liệu ngay sau trận đấu, gồm số liệu bóng đá nâng cao (trả lời câu hỏi liệu một cầu thủ có thực hiện chuyển động để nhận bóng hay không, các đường chuyền của họ có phá vỡ hàng thủ đối phương hay không, hay gây ra áp lực cho đối phương thế nào khi sở hữu bóng...), số liệu về hiệu suất thể chất, số liệu về trí thông minh bóng đá.
Dữ liệu này được đồng bộ hóa với cảnh quay trận đấu để cho phép cầu thủ xem chi tiết tất cả các khoảnh khắc quan trọng trong màn trình diễn của chính họ.
Ngoài ra, nhiều bức ảnh hành động được chụp trong những thời điểm quan trọng của mỗi trận đấu sẽ được cung cấp cho từng cầu thủ. Dữ liệu được thu thập bao gồm các dữ liệu sau: chỉ số dữ liệu bóng đá nâng cao, chỉ số hiệu suất thể chất và chỉ số trí thông minh bóng đá nâng cao.
Dữ liệu thống kê là một phần quan trọng của bóng đá. Hệ sinh thái dữ liệu bóng đá FIFA là một mạng phức hợp gồm nhiều nguồn dữ liệu, bộ xử lý dữ liệu và lớp phân phối cung cấp dữ liệu nhất quán và chất lượng cao cho tất cả các bên liên quan như các đội tuyển, đài truyền hình và ban tổ chức giải.
Theo FIFA, việc ra mắt hệ sinh thái dữ liệu do tổ chức này kiểm soát sẽ giúp chuẩn hóa nội dung, đem đến tính nhất quán, chính xác và đảm bảo quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu.
Hệ sinh thái bóng đá chia nhỏ trận đấu thành từng chi tiết. Hệ thống theo dõi quang học được lắp đặt ở cả 8 sân vận động của World Cup để ghi lại nhiều lần mỗi giây, chính xác đến từng cm những dữ liệu vị trí của tất cả các cầu thủ, trọng tài và bóng.
Trong quá trình thu thập dữ liệu sự kiện, mọi hành động trên sân đều được ghi lại. Nó bao gồm dữ liệu cho mọi hành động trong trận đấu, chẳng hạn như chuyền, sút, thay người, quyết định của trọng tài trận đấu,...
Mục đích của quy trình thu thập dữ liệu trực tiếp là đảm bảo chất lượng và độ phong phú của dữ liệu cao nhất có thể chỉ trong vòng vài giây kể từ khi hành động diễn ra trên sân. Hệ sinh thái dữ liệu bóng đá của FIFA đã được phát triển trong những năm gần đây và được thử nghiệm tại một số giải đấu của FIFA như Arab Cup 2021, FIFA World Cup Club 2019, 2021.
Công nghệ Goaline
Công nghệ Goaline được ứng dụng để xác định ngay lập tức rằng toàn bộ quả bóng đã đi qua vạch cầu môn hay chưa. Goaline đóng vai trò quan trọng từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 2014.
Tại World Cup 2022, hệ thống Goaline sẽ sử dụng 14 camera tốc độ cao gắn trên mặt sân vận động hoặc dưới mái che. Dữ liệu từ các camera được sử dụng để tạo hoạt ảnh 3D nhằm hiển thị trực quan cho người hâm mộ trên TV và trên màn hình bên trong sân vận động.
VAR
VAR được ứng dụng tại World Cup 2018 và đã tạo ra luồng tranh cãi lớn, đặc biệt ở tình huống trọng tài Nestor Pintana cho Pháp hưởng quả 11m ở trận chung kết với Croatia sau khi tham khảo video quay chậm. Đến nay, VAR được ứng dụng trong hơn 100 giải đấu trênn thế giới.
Dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận VAR đã góp phần tăng thêm tính chính xác trong các quyết định của trọng tài.
Tại World Cup 2022, tổ trọng tài VAR có quyền truy cập vào 42 camera phát sóng, 8 trong số đó là chuyển động chậm và 4 trong số đó là chuyển động cực chậm để phân tích tình huống.
Công nghệ sẽ phát lại chuyển động chậm chủ yếu được sử dụng cho các tình huống thực tế, chẳng hạn như để xác định điểm tiếp xúc của hành vi phạm lỗi hoặc vị trí của hành vi phạm lỗi. Phát lại ở tốc độ bình thường được sử dụng cho các phán đoán chủ quan, chẳng hạn như để xác định cường độ của một hành vi phạm lỗi (có mang tính bạo lực, cần rút thẻ đỏ hay không) hoặc liệu một pha chơi bóng bằng tay có bị thổi phạt không.
Ngoài các camera phát sóng, nhóm VAR có quyền truy cập vào các nguồn cấp dữ liệu camera được sử dụng bởi công nghệ bắt việt vị bán tự động.
Theo VTC News