Ezanullah 22 tuổi, một trong hàng nghìn chiến binh Taliban trẻ tuổi từ vùng nông thôn tiến vào thủ đô của Afghanistan vào cuối tuần qua, cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu trông thấy cảnh quan Kabul.
Thành phố hoàn toàn khác những điều anh được nghe qua lời kể về thời Taliban còn ở đây 20 năm trước: con đường lát đá khang trang chạy dưới những khu chung cư cao tầng hiện đại, các tòa nhà văn phòng lắp cửa kính nối liền trung tâm mua sắm lớn.
Người chiến binh đến từ miền núi phía Đông Afghanistan chia sẻ rằng nội thất bên trong Bộ Nội vụ sang trọng y như "những gì tôi tưởng tượng trong mơ". Dù mới đặt chân tới Kabul, anh đã muốn ở lại thành phố này.
“Tôi không muốn phải rời đi,” Ezanullah nói.
Trải nghiệm của Ezanullah đủ để cho thấy Kabul và các thành phố của Afghanistan đã thay đổi đến mức nào trong 20 năm kể từ khi Taliban bị buộc phải rút lui hồi 2001. Cả một thế hệ người Afghanistan ngày nay đã trưởng thành dưới một chính phủ được phương Tây hậu thuẫn, với môi trường sống được hiện đại hóa nhờ những khoản viện trợ khổng lồ. Những điều này hoàn toàn xa lạ với những chiến binh chủ yếu tới từ vùng nông thôn hiểm trở của Taliban.
Diện mạo mới sau 20 năm vắng bóng Taliban
Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul và tuyên bố chiến thắng, Taliban hứa hẹn sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ, tha thứ cho những người chống lại họ, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự cho đất nước và an toàn cho thường dân. Quân nổi dậy đang nỗ lực thuyết phục các cường quốc thế giới và người dân trong nước rằng họ đã thay đổi.
Dù Taliban có thực sự thay đổi hay không, Afghanistan ngày nay vẫn hoàn toàn khác biệt so với quang cảnh đất nước mà họ từng chiếm được vào năm 1996, chỉ 4 năm sau cuộc nội chiến khi Liên Xô rút quân và chính phủ thân cộng sản sụp đổ.
Vào thời điểm đó, khắp nơi là cảnh đổ nát, hầu hết người dân di chuyển trên những con đường hằn lún của Kabul bằng xe đạp hoặc những chiếc taxi chẳng còn nguyên vẹn. Cả nước chỉ có duy nhất một chiếc máy tính thuộc về Mullah Mohammed Omar, thủ lĩnh của Taliban. Ông thậm chí còn không biết cách sử dụng món đồ công nghệ này.
Dưới sự cai trị của Taliban, truyền hình và âm nhạc đều bị cấm. Phụ nữ không được đi học hay làm việc bên ngoài, họ phải mặc những bộ đồ che kín cả người mỗi khi ra đường.
Ngày nay, Afghanistan đã có 4 công ty viễn thông và một số đài truyền hình vệ tinh. Phụ nữ cũng đi làm như đàn ông, một trong số họ đã phỏng vấn một quan chức Taliban hôm 16/8.
Cuối cùng, Taliban cũng trở lại thủ đô sau trận chiến kéo dài 20 năm đằng đẵng. Trên các kênh truyền thông, có thể thấy hình ảnh các chiến binh của lực lượng này chụp ảnh tự sướng bằng điện thoại thông minh ở Kabul. Các video lan truyền trên mạng cho thấy họ cưỡi ngựa đi xung quanh thành phố trong niềm ngạc nhiên và thích thú trước hình ảnh phố xá phát triển, hiện đại.
Liệu sự phát triển của Afghanistan có bị đảo ngược?
Ezanullah kể rằng hai người phụ nữ trên phố ở Kabul đã nói họ rất sợ anh. Chiến binh trẻ cho biết họ không cần phải e sợ Taliban.
“Chúng tôi sẽ cho bạn tiếp tục đến trường đi học và đảm bảo bạn được an toàn. Miễn là bạn để ý tới khăn trùm đầu của mình”, Ezanullah nói thêm rằng phụ nữ vẫn cần tuân theo các phong tục Hồi giáo.
Cũng như những cô gái mà Ezanullah tình cờ gặp, người dân Afghanistan sợ Taliban và lo rằng sự phát triển mà đất nước đạt được sẽ bị đảo ngược khi lực lượng này trở lại nắm quyền và những binh lính Mỹ cuối cùng đang trên đường rút lui. Do đó, hàng ngàn người đã đổ xô đến sân bay Kabul để chạy trốn sau khi thủ đô thất thủ, hầu hết họ là nam giới không đi cùng gia đình.
Tuy thế hệ trẻ của Afghanistan không có ấn tượng về sự cai trị của Taliban, nhưng họ lo sợ sẽ bị mất tự do khi các chiến binh Hồi giáo này điều hành đất nước. Họ chỉ biết đến Taliban qua lịch sử về những năm lực lượng áp đặt luật Hồi giáo một cách hà khắc trong giai đoạn 1996 – 2001.
Để xoa dịu những bất ổn trong nước, Taliban đã ra một số dấu hiệu ôn hòa trong những ngày gần đây, như ân xá cho quân đối đầu, mời phụ nữ trở lại làm việc và cam kết khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Nhưng nhiều người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ , vẫn nghi ngờ sâu sắc về ý định của lực lượng này.
An ninh bất ổn và những tên cướp giả dạng Taliban
Song song với việc hiện đại hóa, thành thị Afghanistan cũng có một số mặt trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Taliban nắm quyền lần cuối.
Một trong số ít thành công trong chế độ cai trị Hồi giáo khắc nghiệt của Taliban là xóa sổ phần lớn tội phạm nhờ áp đặt các biện pháp trừng phạt không khoan nhượng: Tội trộm cắp bị phạt chặt tay; nhiều tội phạm khác bị hành quyết trước công chúng.
Sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, các thành phố Afghanistan phải hứng chịu làn sóng tội phạm trong nhiều năm. Công chúng e rằng tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn sau khi các nhà tù và vũ khí của chính phủ bị càn quét trong cuộc tiến công của Taliban.
Tuy Taliban cam kết sẽ khôi phục luật pháp và trật tự ở Afghanistan, nhưng quá trình này có thể mất nhiều thời gian và khiến họ phải dùng đến các biện pháp tàn bạo.
Trong khi tình đất nước còn chưa ổn định, nhiều người lo sợ những kẻ cướp bóc giả dạng Taliban hơn là chính các chiến binh Hồi giáo này.
Ông Saad Mohseni, chủ sở hữu một mạng truyền hình nổi tiếng ở Afghanistan, cho rằng những kẻ giả dạng Taliban mới là mối nguy hiểm lớn cho Kabul. “Chúng chỉ là những kẻ lưu manh”, ông nói.
Theo VTCNews