Bất nhất chuyện Đà Nẵng lên kế hoạch cấm ra đường toàn thành phố

Thứ sáu , 07:02 14/08/2021 | Cafe đá

Bất nhất trong chỉ đạo quản lý của chính quyền TP Đà Nẵng và lúng túng trong triển khai thực hiện không đồng nhất của các cấp chính quyền đã làm cho người dân hoang mang.

Thông tin tại kỳ họp thứ 2 của HĐND TP Đà Nẵng và phát biểu của lãnh đạo thành phố về việc sẽ đóng cửa toàn thành phố nếu dịch bệnh không có dấu hiệu giảm, được lan truyền trong các nhóm kín facebook và zalo đã làm cho người dân thành phố nhốn nháo và đổ xô ra siêu thị, chợ để mua thực phẩm dự trữ.

Bất nhất chuyện Đà Nẵng lên kế hoạch cấm ra đường toàn thành phố - Ảnh 1.

Người dân Đà Nẵng chen chúc mua hàng tại các tiệm tạp hóa truyền thống. Ảnh: NLĐ

Bất chấp lệnh cấm, ngay sau khi thông tin được lan truyền, người dân toàn thành phố đã đổ ra các chợ, siêu thị để mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Tại chuỗi siêu thị Mega Market, Big C, người dân chen chúc, tụ tập để mua hàng dự trữ với số lượng đột biến, khiến cho các siêu thị nơi này rơi vào tình trạng quá tải, hàng hóa hết sạch.

Tương tự, các cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi cửa hàng Vinmart cũng rơi vào tình cảnh kể trên khi số lượng người đến mua thực phẩm dự trữ vượt quá khả năng phục vụ của các cửa hàng này.

Tại các chợ trong toàn thành phố cũng rơi vào tình cảnh tương tự, số lượng người chen lấn, giành dật nhau để mua thịt, cá, rau, củ… diễn ra bát nháo, lộn xộn gây phản cảm cho cộng đồng.

Đáng nói, lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19, nhiều tiểu thương ở các chợ đã nâng giá bán các mặt hàng thực phẩm rau, củ, thịt, cá cao gấp 5 lần so với thời điểm cách đó 1 ngày nhưng vẫn không có để bán.

Bất nhất chuyện Đà Nẵng lên kế hoạch cấm ra đường toàn thành phố - Ảnh 2.

Một cơ sở cung cấp trứng tại đường Hải Phòng hoạt động hết công suất trước sức mua tăng đột biến. Ảnh: NLĐ

Chị Nga một tiểu thương tại chợ Hòa Cường Bắc cho biết, quanh khu vực tổ 25, Phường Hòa Cường Nam, nhiều người dân đã dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ mua thực phẩm dự trữ, nhưng khi ra đến nơi đã không còn gì để mua. Một số người may mắn hơn mua được vài lạng thịt, bó rau cho biết, dù giá đắt gấp mấy lần vẫn phải bấm bụng mua vì nếu lệnh cấm ra đường toàn thành phố được ban hành thì trong nhà không còn đồ ăn dự trữ.

Ngay sau khi phóng viên có được thông tin về việc lãnh đạo TP Đà Nẵng sẽ cấm toàn thành phố để chống dịch, trong thời gian xác nhận lại thông tin và các báo chính thống chưa lên bài thì trên các trang facebook có lượt theo dõi lớn tại Đà Nẵng đã chia sẻ tràn ngập mạng xã hội và kéo theo đó là người dân đổ xô đến các chợ, siêu thị mua thực phẩm dự trữ, bất chấp lệnh cấm đang trong thời gian áp dụng giãn cách nghiêm ngặt, không được tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng.

Sự việc này có thể thấy sự bất nhất và lúng túng của chính quyền thành phố trong việc công bố thông tin và quản lý điều hành. Lúng túng ở chính sự phối hợp giữa các ban ngành trong điều phối hậu cần ở "vùng đỏ" Sơn Trà và "vùng xanh" của thành phố.

Khu vực giãn cách nghiêm ngặt tại quận Sơn Trà đã cho thấy sự lúng túng, chậm xử lý của các ban ngành trong công tác phối hợp phòng chống dịch cụ thể từ việc điều phối hậu cần cung cấp thực phẩm, xét nghiệm khoanh vùng đến tạo hành lang an toàn cho những người dân trong khu phong tỏa khi liên tiếp phát hiện các ca mắc mới trong khu vực phong tỏa và cộng đồng.

Những chốt trực được dựng lên với thủ tục giấy tờ rườm rà đã cản trở việc tiếp tế lương thực, thực phẩm. Xử lý sự vụ trong khu phong tỏa, bên ngoài nhìn chặt chẽ nhưng lỏng lẽo bên trong và mất kiểm soát đã không những làm giảm số ca mắc mà có nguy cơ tăng và lan nhiều ca nhiễm cộng đồng mới.

Với việc thông tin có thể “cấm toàn thành phố” nếu dịch bệnh không được kiểm soát vào tuần tới, lãnh đạo thành phố nên minh bạch rõ ràng với các cơ quan báo chí, truyền hình và người dân ngay từ đầu, cũng như đưa ra các phương án thực hiện điều hành về hậu cần, lương thực phẩm, quản lý thị trường giá… thì chắc chắn người dân toàn thành phố sẽ không có những cảnh chen lấn, đổ xô đi chợ, siêu thị mua đồ dự trữ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Bất nhất chuyện Đà Nẵng lên kế hoạch cấm ra đường toàn thành phố - Ảnh 3.

Quầy hàng trứng tạp đóng, trong khi đó quầy thức ăn sơ chế đóng gói tại Big C được người dân mua liên tục. Ảnh: NLĐ

Thực tế ngay từ khi bùng phát dịch trở lại vào tháng 7, TP Đà Nẵng đã ghi nhận gần 1500 ca mắc mới, nhiều ca cộng đồng, 43 người chết.

Bất nhất trong chỉ đạo quản lý của chính quyền thành phố và lúng túng trong triển khai thực hiện không đồng nhất của các cấp chính quyền đã làm cho người dân hoang mang, kéo theo những nguy cơ lây lan dịch bệnh và nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua đổ sông, đổ biển.

Vai trò trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát hàng hóa của Sở Công Thương cần phải thể hiện nhanh nhạy, đúng thời điểm mới có thể ổn định được hậu cần và thị trường trong thời điểm cấp bách của dịch bệnh. Việc cơ quan này quá thụ động trước sự việc vừa qua đã tạo cơ hội nâng giá lương thực phẩm của những kẻ trục lợi làm cho người dân đã khó khăn vì dịch bệnh, càng khó hơn và mất niềm tin vào nhà nước chính quyền.

Thiết nghĩ, để có thể khống chế được dịch bệnh, sớm đưa đời sống trở về trạng thái bình thường, ngoài những giải pháp màchính quyền thành phố đang áp dụng và chuẩn bị những phương án mạnh hơn trong tuần tới, để tạo được sự đồng thuận tất cả các cấp ngành và người dân cùng chung tay, chính quyền thành phố nên:

Thứ nhất, minh bạch tất cả các thông tin, phương án sẽ áp dụng để sớm đưa thành phố trở lại hoạt động trên tất cả các phương tiện báo chí, truyền hình chính thống. Kể cả tuyên truyền cho toàn dân thành phố được biết và thực hiện.

Thứ hai, lãnh đạo thành phố cùng các ban ngành đưa ra các phương án cụ thể về phòng chống dịch bệnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành liên quan thực hiện theo nguyên tắc một đầu mối quản lý điều hành, tất cả đều triển khai.

Thứ ba, luôn đặt các giả thiết và tình huống thực tế từ chính đời sống người dân để có thể sát với tình hình và diễn biến dịch bệnh, cũng như phản ứng của xã hội

Tất cả những người dân, doanh nghiệp TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang rất mong chờ những quyết sách mang tính thực tế, đồng nhất và có tính áp dụng cao từ chính quyền nhà nước để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, được lao động, học tập, làm việc như trước đây.

Đó là mong mỏi là khát vọng và niềm tin vào lúc này, vì hơn ai hết người dân ý thức rằng, một sai lầm hôm nay có thể phá tan nỗ lực ngày hôm qua và ngày trở lại cuộc sống mới sẽ còn chờ đợi dài thêm nữa.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC