Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, trưa nay 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cùng dự Diễn đàn công nghệ cao Việt Nam - Hà Lan và Diễn đàn kinh tế xanh năm 2023.
Tại Diễn đàn công nghệ cao Việt Nam – Hà Lan, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung liên quan các chủ đề: Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao: góc nhìn từ các doanh nghiệp toàn cầu; Phát triển và nuôi dưỡng nhân tài công nghệ cao Việt Nam: chiến lược và khuyến nghị…
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhắc lại chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 12 năm 2022. Trong đó, khi thăm Khu công nghệ cao của Hà Lan và mong muốn xây dựng một trung tâm tương tự tại Việt Nam; vui mừng vì chỉ sau 11 tháng, Việt Nam đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Trung tâm nghiên cứu, phát triển.
Thủ tướng Hà Lan cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam của ông lần này có đoàn gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Hà Lan tháp tùng, nhiều công ty công nghệ cao của Hà Lan bắt đầu có các dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp khác đang tìm hiểu và sẽ đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chiến lược phát triển đất nước, Việt Nam coi khoa học và công nghệ là một trong những quốc sách hàng đầu, là động lực, trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; giúp Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; giúp Việt Nam về khoa học quản trị theo kịp các nước tiên tiến; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan sớm có kế hoạch cụ thể để đầu tư và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và các quan chức, doanh nghiệp hai nước chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tài chính…
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu. Thủ tướng đánh giá cao vai trò tiên phong của Liên minh châu Âu (EU) trong thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh và tuần hoàn; hoan nghênh và ủng hộ các chiến lược và sáng kiến quan trọng của EU như Thoả thuận xanh, Cửa ngõ toàn cầu, Chiến lược kinh tế biển, Kinh tế số...với nhiều bước đi cụ thể trong các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đề cao quan điểm phát triển bao trùm, xanh và bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có EU. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình, cùng hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cần đẩy mạnh và cụ thể hóa các cam kết hợp tác đã có giữa Việt Nam và EU; tận dụng triệt để Hiệp định EVFTA, nhất là trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp; nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, ý tưởng, dự án mang tính biểu tượng, trọng điểm, là mô hình hợp tác thành công trong chuyển đổi xanh. Cùng với đó đề nghị các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); sớm gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn. tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các bạn hoạt động ổn định, lâu dài tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Theo VOV