Ukraine chặn dòng chảy khí đốt từ Nga: An ninh năng lượng châu Âu đang rung chuyển

Thứ ba , 20:07 13/05/2022 | Cafe nóng

An ninh năng lượng châu Âu đang bị rung chuyển trong những ngày này khi Ukraine chặn dòng chảy khí đốt từ Nga và tập đoàn Gazprom “khóa van khí đốt” đường ống Yamal-Europe chạy qua lãnh thổ Ba Lan.

An ninh năng lượng châu Âu rung chuyển

Chỉ 24 giờ sau khi Ukraine cắt giảm dòng chảy khí tự nhiên qua lãnh thổ nước này vào châu Âu, đổ lỗi cho sự can thiệp của quân đội Nga, tập đoàn Gazprom của Nga đã dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Yamal-Europe chạy qua Ba Lan và dừng phân phối khí đốt ở Đức.

Ukraine chặn dòng chảy khí đốt từ Nga: An ninh năng lượng châu Âu đang rung chuyển - Ảnh 1.

Trạm khí đốt gần biên giới giữa Ukraine và Ba Lan ở Drozdovychi, cách Lviv 120 km về phía Tây. Ảnh: Retuers

Mặc dù tác động của động thái này không quá lớn, khi chỉ chiếm một vài phần trăm trong toàn bộ lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu nhưng mỗi cú đánh vào nguồn cung năng lượng lại cho thấy sự dễ tổn thương của khu vực này và nhu cầu cấp bách của EU để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

"Hiện nay chúng tôi bắt đầu chứng kiến những vấn đề khác nhau phát sinh, điều đó cho thấy tại sao châu Âu không nên coi nguồn cung khí đốt lúc nào cũng sẵn có. Các chính phủ cần hành động ngay lập tức như thể họ đang trong tình hình khẩn cấp", Simone Tagliapietra, một học giả cấp cao tại viện nghiên cứu Brugel nhận định với CNN.

Theo RIA Novosti, Nga đã áp trừng phạt lên 31 công ty nước ngoài ngày 11/5. Gazprom Germania và EuRoPol Gaz, nhà vận hành đường ống Yamal-Europe đoạn qua Ba Lan cũng nằm trong danh sách này.

"Sẽ không còn mối quan hệ nào với những công ty này. Đơn giản là họ đã bị cấm", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định ngày 12/5.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, Nga không còn cung cấp khí đốt cho các công ty con của Gazprom Germania nhưng các nguồn cung thay thế vẫn được đảm bảo.

Tháng trước, Moscow đã dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria theo đúng chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin về việc dừng cấp khí đốt cho những quốc gia "không thân thiện" từ chối thanh toán hóa đơn bằng đồng rúp thay cho đồng euro và USD được quy định trong hợp đồng.

Nga chiếm khoảng 45% tổng khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm 2021. EU đang đề xuất giảm tiêu thụ khoảng 66% khí đốt Nga vào cuối năm nhưng vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu này.

Tác động khi Ukraine chặn dòng chảy khí đốt từ Nga

Thậm chí giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt trong hơn 2 tháng qua, khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục chảy về phương Tây qua các đường ống đi qua Ukraine. Tuy nhiên, ngày 10/5, nhà điều hành hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine cho biết nước này sẽ dừng việc vận chuyển khí đốt qua trạm trung chuyển Sokhranivka của nước này, vốn xử lý 32,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày. Số lượng này chiếm khoảng 1/3 dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu.

Nhà điều hành Ukraine đã đổ lỗi cho "sự can thiệp của các lực lượng chiếm giữ", hàm ý nhắc đến Nga, khi thông báo về việc dừng hoạt động của tuyến vận chuyển này. Ukraine cũng cáo buộc Nga đã can thiệp vào trạm trung chuyển này và rút bớt khí đốt. Do đó, nhà điều hành này nhận định, sự ổn định và sự an toàn của toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine đã bị tổn hại và nước này buộc phải dừng các dòng chảy khí đốt đó.

Hiện chưa rõ khi nào dòng chảy khí đốt qua Sokhranivka được nối lại.

Tác động của động thái này cho tới nay vẫn tương đối hạn chế. Trong khi Ukraine vận chuyển khoảng 30% nguồn cung khí đốt của Nga tới châu Âu thì đường ống trên chỉ khiếm khoảng 2,3% toàn bộ nguồn cung khí đốt của châu Âu.

Phản ứng không quá gay gắt của thị trường hiện nay chủ yếu là nhờ mức độ lưu trữ khí đốt ổn định, thời tiết ôn hòa và lượng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu ở mức kỷ lục tại châu Âu trong tháng qua, Tom Marzec-Manser - người đứng đầu mảng phân tích khí đốt ở ICIS cho hay.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã làm gia tăng nguy cơ nguồn cung khí đốt của châu Âu tiếp tục bị gián đoạn khi giao tranh tiếp diễn. Hệ quả của việc đó có thể ảnh hưởng tới thị trường và đẩy giá năng lượng vốn đã cao lên mức cao hơn.

Chuyển dướng dòng chảy khí đốt

Việc trạm trung chuyển khí đốt Sokhranivka dừng hoạt động đã gây ra sự thiếu hụt 16 triệu mét khối khí đốt/ngày, Kateryna Filippenko, nhà phân tích về nguồn cung khí đốt tại Wood Mackenzie cho hay.

Tuy nhiên, hiện châu Âu có đủ năng lực để bù đắp cho sự gián đoạn này, bà Kateryna Filippenko nhận định với CNN.

Nhà điều hành khí đốt Ukraine cho biết công ty này có thể tăng cường lượng khí đốt sang một trạm trung chuyển khác là Sudzha, nằm ở khu vực phía Tây hiện do chính phủ Ukraine kiểm soát.

Tuy nhiên, Gazprom đã từ chối cung cấp khí đốt qua tuyến vận chuyển thay thế, cho rằng điều này "bất khả thi về mặt kỹ thuật".

Bà Kateryna Filippenko cho rằng, tác động của việc này không quá lớn và châu Âu sẽ đáp ứng được mục tiêu dự trữ khí đốt vào nửa sau của năm nay.

Các cơ sở dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức 37% công suất. Đây là mức bình thường ở thời điểm này trong năm nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 80% vào tháng 11.

Nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn?

Căng thẳng có thể tiếp tục gia tăng trong tuần tới khi ngày càng nhiều công ty năng lượng châu Âu đến kỳ hạn thanh toán khí đốt cho Nga, chuyên gia Tagliapietra đánh giá.

"Chúng tôi vẫn đang chờ Ủy ban châu Âu quyết định liệu việc thanh toán bằng đồng rúp có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Vì thế, trong 2 tuần tới, chúng ta có thể chứng kiến sự gián đoạn tạm thời xảy ra”.

Kaushal Ramesh, một nhà phân tích về khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng tại Rystad Energy nhận định với CNN rằng EU nên thiết lập một liên minh những bên mua hàng với những quốc gia sẽ cùng nhận khí đốt từ tất cả các nhà cung cấp "sớm nhất có thể" nhằm ngăn chặn việc một số quốc gia cạnh tranh cùng một nguồn cung khí đốt và đẩy giá tăng cao.

Các quốc gia Trung và Đông Âu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất do việc cắt giảm các dòng chảy khí đốt của Nga đi qua Ukraine, phân tích từ công ty tham vấn Eurasia Group đánh giá.

Đức - nền kinh tế lớn nhất EU phụ thuộc lớn vào khí tự nhiên của Nga nhưng nước này không chịu quá nhiều tác động từ việc trạm trung chuyển Sokhranivka gần đây dừng hoạt động. Hầu hết khí đốt nhập khẩu từ Nga được vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 qua Biển Baltic, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức Susanne Ungrad nhận định với CNN.

Theo : VOV


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC