Tủ thuốc gia đình nên có gì trong mùa dịch?

Thứ năm , 10:14 30/07/2021 | Khỏe đẹp hơn

Tủ thuốc gia đình là thứ không thể thiếu trong nhà, đặc biệt trước diễn biến của dịch Covid-19 tủ thuốc gia đình cần bổ sung đầy đủ các loại thuốc cần thiết.

Tủ thuốc gia đình là thứ không thể thiếu trong nhà, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tủ thuốc gia đình cần bổ sung đầy đủ các loại thuốc cần thiết để an toàn cho cả nhà.

Theo Bác sĩ Trương Huỳnh Tấn Phú - Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương (TP.HCM), trừ những trường hợp bất khả kháng với các bệnh lý thông thường, các trường hợp khác chúng ta có thể xử trí tại nhà bằng các loại thuốc cơ bản có sẵn trong tủ thuốc gia đình cùng sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tủ thuốc gia đình nên có gì trong mùa dịch? - Ảnh 1.

Tủ thuốc gia đình cần có các loại thuốc cơ bản và một số dụng cụ xử trí vết thương (Ảnh minh họa).

Vì thế, Bác sĩ Trương Huỳnh Tấn Phú đã đưa ra một số loại thuốc mà bất cứ gia đình nào cũng nên trang bị trong tủ thuốc nhà mình, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Paracetamol (dạng viên nén, viên sủi bọt) là lựa chọn an toàn, giảm nguy cơ dị ứng. Trong trường hợp gia đình có trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi không sử dụng được thuốc viên thì có thể chuẩn bị thêm thuốc dạng gói bột hòa tan hoặc thuốc đặt hậu môn (tọa dược).

Ngoài ra, Paracetamol còn hỗ trợ điều trị triệu chứng đau nhức cơ xương khớp. Nếu tình trạng đau nhức không cải thiện hoặc còn nặng thêm thì có thể cân nhắc việc liên hệ bác sĩ.

Thuốc giảm ho, sổ mũi, hắt hơi

Khi ho khan, ho quá nhiều dẫn đến mệt mỏi, Bác sĩ Phú cho biết có thể sử dụng các loại thuốc có thành phần phối hợp dạng viên như Topralsin, Theralene. Gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị thêm thuốc ho dạng siro.

Trong trường hợp thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi, có thể chuẩn bị sẵn các loại thuốc như Chlorpheniramine, Levo cetirizine, Loratadine hoặc Fexofenadine.

Thuốc tiêu hóa

Trong tủ thuốc gia đình nên có sẵn các loại thuốc để điều trị về dạ dày, khó tiêu đầy hơi, tiêu chảy.

Khi có triệu chứng đau dạ dày, khó tiêu đầy hơi, có thể uống Esomeprazol hoặc Pantoprazol hỗ trợ giảm tiết a xít dạ dày, liều một viên trước bữa ăn sáng 30 phút, trong 10 - 14 ngày. Trường hợp bị đau dạ dày, có thể uống các loại thuốc gói như Phosphalugel, Varogel, sau ăn 1 - 2 tiếng trong 3 - 5 ngày. Ngoài ra, tủ thuốc gia đình cũng cần có Itopride (Elthon) giúp giảm triệu chứng đầy hơi, ợ chua.

Thuốc điều hòa nhu động ruột, chẳng hạn như Trimebutine, có hiệu quả chung cho cả tiêu chảy, táo bón hay khó tiêu. Trong trường hợp bị tiêu chảy quá nhiều lần, có thể dùng thuốc gói Smecta để giảm tiêu chảy tạm thời. Đồng thời tăng cường bổ sung nước, chất điện giải bằng Oresol (nước biển khô) hoặc các loại nước điện giải đóng chai trên thị trường.

Các loại thuốc khác cần có trong tủ thuốc gia đình

Tủ thuốc gia đình nên có gì trong mùa dịch? - Ảnh 2.

Khi sử dụng thuốc cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Phú cho hay, để tăng cường sức đề kháng nhiều người thường lựa chọn bổ sung bằng các loại như vitamin C, B, D, kẽm... Đây là những chất cần thiết cho cơ thể, nhưng theo bác sĩ nếu trong thành phần dinh dưỡng hằng ngày của chúng ta không cung cấp đủ các dưỡng chất này thì mới cần bổ sung. Và đối với trường hợp bổ sung thì chỉ sử dụng các viên multivitamin theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Ngoài ra trong tủ thuốc mỗi gia đình cũng nên có 1 số loại vật dụng thiết yếu như bông, băng gạc, băng keo cá nhân, kẹp nhiệt độ, nước muối sinh lý, ôxy già, dung dịch Betadine 10%... rất hữu dụng để rửa và sát trùng vết thương nhỏ. Trường hợp nhà có người có tiểu sử về bệnh tăng huyết áp, cần mua máy đo huyết áp điện tử để dùng ngay khi cần.

Một số điều cần chú ý khi sử dụng tủ thuốc gia đình

Khi sử dụng thuốc, Bác sĩ Trương Huỳnh Tấn Phú cũng lưu ý mọi người cần đọc kỹ tờ hướng dẫn của nhà sản xuất để biết được người bệnh có chống chỉ định (không được sử dụng) với bất cứ thành phần nào hay không hoặc chỉ định cụ thể về liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng thuốc. Có thể liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn thêm khi cần thiết.

Đối với trẻ em, nếu dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 1 ngày mà không thấy đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Do đó, không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ ra để cho trẻ uống. Luôn đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho trẻ sử dụng thuốc.

Tủ thuốc nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng rọi trực tiếp và tránh xa được tầm với của trẻ nhỏ.

Thường xuyên tiến hành rà soát tủ thuốc để loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua vì trên đó bạn có thể biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản.

Dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quỵ… Dán danh sách các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ gia đình để có thể gọi hỏi thông tin khi cần.

Theo Gia đình Việt Nam

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC