Nhiều từ ngữ có trên quảng cáo nhưng không có trên sản phẩm
Nội dung video quảng cáo 30s về sản phẩm Kem đánh răng dược liệu Thái Dương và nước súc miệng Valentine của Sao Thái Dương trên truyền hình như sau: "Từ xa xưa, bạc đã dùng để sát khuẩn và diệt virus. Ngày nay, khoa học đã chứng minh Nano bạc sát khuẩn, diệt virus hiệu quả hơn hàng nghìn lần. Kem đánh răng dược liệu Thái Dương, kem đánh răng duy nhất có Nano bạc. Nước súc miệng Valentine, nước súc miệng duy nhất có Nano bạc. Nước súc miệng và kem đánh răng có Nano bạc của Sao Thái Dương giúp ngăn ngừa virus gây bệnh".
Thế nhưng không như video quảng cáo, trên sản phẩm kem đánh răng dược liệu Thái Dương có số lô sản xuất: 0020221; hạn dùng: 05/02/2024 không hề ghi là sản phẩm "duy nhất có Nano Bạc" mà chỉ ghi "Nano bạc, lược vàng" bên dưới tên sản phẩm. Trên sản phẩm chỉ ghi "phù hợp với nhiệt miệng, hôi miệng, viêm lợi, răng nhạy cảm". Ở phần công dụng hoàn toàn không có chữ nào ghi "ngăn ngừa virus gây bệnh".
Tiếp tục xem một sản phẩm nước súc miệng Valentine có số lô sản xuất 0650321; hạn dùng: 17/3/2024. Trên sản phẩm này chỉ ghi một từ "Nano bạc" và "hiệu quả 100% hết nhiệt miệng, hôi miệng", "lựa chọn hàng đầu cho "hôi miệng – nhiệt miệng – sâu răng – viêm lợi". Và cũng như kem đánh răng, không hề ghi là sản phẩm "duy nhất có Nano bạc", cũng không ghi "ngăn ngừa virus gây bệnh".
Ngoài ra, cả hai sản phẩm của Sao Thái Dương lưu hành trên thị trường mà PV tiếp cận đều không nêu tên tài liệu hợp pháp để chứng minh là sản phẩm "duy nhất có Nano bạc".
Quảng cáo sản phẩm sử dụng từ ngữ "duy nhất có Nano bạc" của Sao Thái Dương có vi phạm Luật Quảng cáo hay không? Nhất là trong thời điểm cả nước phòng chống dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, quảng cáo sản phẩm của Sao Thái Dương "giúp ngăn ngừa virus gây bệnh" có phù hợp hay không?
Vi phạm quy định Luật Quảng cáo
LS Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM) cho biết: "Theo khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi một số điều năm 2018, "Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ VHTT&DL là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo".
Tài liệu hợp pháp được Bộ VHTT&DL quy định cụ thể, rõ ràng tại Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL.
Thứ nhất, đó là kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường. Thứ hai, là giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ tương tự.
LS Trí cho biết, tại Điều 2 Thông tư 10, thì thời hạn sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh các từ ngữ đã nêu trên các sản phẩm quảng cáo là 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp.
Thế nhưng trên sản phẩm của Sao Thái Dương bán ngoài thị trường mà PLVN mô tả nêu trên và trên video quảng cáo, không hề nêu bằng lời nói, chữ viết thể hiện tên tài liệu hợp pháp để chứng minh sản phẩm của Sao Thái Dương là "duy nhất có Nano bạc".
"Nếu Sao Thái Dương không có tài liệu hợp pháp chứng minh sản phẩm kem đánh răng và nước súc miệng là "duy nhất có Nano bạc" thì là vi phạm điều cấm của pháp luật về Quảng cáo", LS Trí nói.
Hành vi trên có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP với số tiền 10 – 20 triệu đồng.
Với quảng cáo "ngăn ngừa virus gây bệnh", LS Trí nói: Tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo cũng nghiêm cấm: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố".
"Như vậy, Luật Quảng cáo đã nêu rõ việc quảng cáo phải cụ thể rõ ràng về công dụng, chất lượng. Sao Thái Dương quảng cáo sản phẩm của mình là "ngăn ngừa virus gây bệnh" thì phải nêu rõ tổ chức chứng nhận, tên chứng nhận, tổ chức nghiên cứu việc ngăn ngừa virus gây bệnh, bao nhiêu phần trăm và ngăn ngừa loại virus nào? Quảng cáo "ngăn ngừa virus gây bệnh" chung chung trong tình hình dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 có thể sẽ gây hiểu nhầm đối với khách hàng" LS Trí nói.
Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng.
Cũng theo LS Trí, trong quảng cáo trên, Sao Thái Dương dùng các từ ngữ trong quảng cáo không đúng với ghi trên sản phẩm đang lưu hành trên thị trường cũng là vi phạm khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo (không được phép quảng cáo sai so với sản phẩm được công bố).
"Hành vi quảng cáo không đúng với sản phẩm đã công bố sẽ bị xử phạt theo Điều 33 Nghị định số 38 với số tiền từ 50 – 70 triệu đồng và bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm có quảng cáo" - LS Trí nói.
Theo Pháp luật Việt Nam