Phải xử lý nghiêm cha dượng bạo hành bé trai ở Bình Dương

Thứ bảy , 14:17 07/08/2021 | Góc nhìn chuyên gia

Đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh người đàn ông đánh đập dã man bé trai ở Bình Dương được đăng tải trên mạng xã hội khiến cộng đồng hết sức phẫn nộ, mong muốn cơ quan chức năng phải sớm cách ly người này với cháu bé và xử lý thật nghiêm minh.

Cha dượng đánh đập dã man bé trai ở Bình Dương đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Người đàn ông đánh đập dã man bé trai trong video lan truyền mạng xã hội vào tối ngày 4/8. Ảnh cắt từ clip

Ngày 5.8, Công an TP.Thuận An (Bình Dương) tạm giữ hình sự Lê Hoài Nam (29 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) để điều tra làm rõ hành vi hành hạ trẻ em. Vậy đối tượng này sẽ phải đối diện với khung hình phạt như thế nào. Phóng viên VTC9 đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Khánh, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội để giải đáp câu hỏi trên. 

Hành vi rất tàn bạo, cần xử lý kịp thời và nghiêm minh

Phải xử lý nghiêm cha dượng bạo hành bé trai ở Bình Dương - Ảnh 2.

Tiến sỹ, Luật Sư Lê Ngọc Khánh - Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội)

Về góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi bạo hành đứa trẻ mới 5 tuổi của người cha dượng là hành vi rất đáng bị lên án. Theo khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em."

Theo Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, bé trai bị bạo hành dù có bị thương hay không thì vẫn đủ yếu yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự người đã đánh đập bé. Tuy nhiên, trước hết cơ quan điều tra cần cho cháu bé đi thăm khám, giám định thương tích để xác định hậu quả thương tích mà kẻ bạo hành đã gây ra. Từ đó, có căn cứ để định danh đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

Trường hợp giám định em bé có thương tích (dù dưới 11%) thì người cha dượng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vì các tình tiết như: cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi; có tính chất côn đồ… Tùy vào mức độ thương tích mà người cha dượng sẽ phải chịu hình phạt theo các khung khoản mà điều luật này đã quy định.

Trường hợp cha dượng không gây ra thương tích cho cháu bé, giữa hai người không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng vì cha và mẹ bé không thuộc mối quan hệ hôn nhân gia đình thì người cha dượng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Còn với trường hợp người bạo hành và cháu bé có mối quan hệ cha con thì người cha dượng có thể bị xử lý hình sự về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

"Tuy nhiên, dù người cha dượng trong trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội danh gì thì đây cũng là hành vi rất tàn bạo và đáng lên án, cần được xử lý kịp thời và nghiêm minh", Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh cho biết.

Hành vi chứng kiến cảnh bạo hành mà không tố giác cần phải lên án

Được biết, tại cơ quan Công an, Nam khai nhận đang chung sống như vợ chồng với chị N.H.T từ năm 2020 đến nay. Trong thời gian cùng chung sống, Nam thường xuyên đánh đập và chửi mắng bé P.A - con riêng của chị T. Đỉnh điểm là sự việc xảy ra như trong clip được phát tán trên mạng xã hội vào tối 4/8. Đáng nói, khi bé P.A bị bạo hành dã man như vậy nhưng chị T. không đến can ngăn. Chỉ khi thấy cháu bé P.A bị Nam đập xuống nền nhà, chị T. mới chạy ra ôm bé và xin Nam dừng đánh, song Nam vẫn xông vào đòi đánh tiếp.

Theo Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, trong vụ việc trên người mẹ đã biết và nhìn thấy hành vi ngược đãi, bạo hành của người cha đối với con mình trong thời gian qua nhưng không tố giác hay trình báo với cơ quan chức năng. Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau: "Người nào biết rõ… một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: "Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

"Do đó trong trường hợp này người phụ nữ là vợ của người phạm tội nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, xét dưới góc độ đạo đức, thấy người chồng hành hạ ngược đãi con trai mình như vậy mà người mẹ không hề can ngăn thì đây là hành vi không thể chấp nhận được và cần phải lên án", Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh.

Theo luật sư Khánh, trẻ em là đối tượng được pháp luật và xã hội đặc biệt bảo vệ. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn xuất hiện rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, có những trường hợp xuất phát từ chính những người thân trong gia đình. Điều đó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự và tinh thần của trẻ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp với nhau để phát hiện và ngăn chặn kịp thời nạn bạo hành trẻ em.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC