Sáng 26/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III. Cùng dự có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và gần 350 đại biểu đại diện cho 16.000 luật sư trong cả nước.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương giới luật sư Việt Nam đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, các luật sư phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phải biết nói không với tiêu cực, tuyệt đối không tiếp tay, không tham gia chạy án, không có hành vi trái với quy định pháp luật.
Theo báo cáo tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đội ngũ luật sư phát triển tương đối nhanh và hiện cả nước có hơn 16.000 luật sư, hơn 4.000 tổ chức hành nghề luật sư. Chất lượng đội ngũ luật sư từng bước được nâng cao, đa số có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhiệm kỳ qua, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia vào hơn 81.000 vụ án hình sự, hơn 67.000 vụ việc dân sự, tư vấn pháp luật hơn 490.000 vụ việc, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí gần 162.000 vụ việc. Điều đó cho thấy người dân và doanh nghiệp đã có niềm tin và thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, qua đó cho thấy vị thế và chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được khẳng định.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao đội ngũ luật sư cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cải cách tự pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thời gian qua, bằng chuyên môn, sự công tâm, các luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Chủ tịch nước cũng đánh giá, sau 2 nhiệm kỳ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn luật sư, các luật sư trong cả nước; tập hợp và tổ chức, động viên luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới luật sư Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nêu một số khó khăn, thách thức, đó là tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn ở mức thấp. Chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế. Một số luật sư chưa nhận thức đầy đủ sâu sắc trách nhiệm chính trị, pháp lý, trách nhiệm xã hội cao quý của nghề luật sư, thậm chí có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, nhận thức chính trị, có hành vi tiêu cực, chạy án, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự…
Nêu nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Chủ tịch nước cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ luật sư, phát triển cả số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa nhiều chủ trương lớn của Đảng, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân liên quan trực tiếp tới hoạt động hành nghề luật sư. Lần đầu tiên nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Toà án được ghi nhận trong Hiến pháp. Tiếp đó Luật Luật sư năm 2012 đã tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định cần chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, trong đó có các nghề bổ trợ tư pháp.
Nêu lên những vấn đề đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về trách nhiệm của luật sư trong bối cảnh hiện nay, đó là phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động. Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước.
Bên cạnh đó, uy tín và danh tiếng nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác. Đặc biệt, Luật sư phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phải biết nói không với tiêu cực, tuyệt đối không tiếp tay, không tham gia chạy án, không có hành vi trái với quy định pháp luật.
Đối với Liên đoàn Luật sư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thường xuyên phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước về luật sư để quyết tâm thực hiện được mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm với các luật sự trong khu vực và trên thế giới, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quốc gia, dân tộc. Theo đó, Liên đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động; thực hiện đầy đủ và hiệu quả 19 nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 65 của Luật Luật sư 2021.
Cùng với đó là chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta; nâng cao hình ảnh, uy tín nghề nghiệp, địa vị của luật sư đối với xã hội; giữ vững niềm tin của nhân dân, của xã hội, của khách hàng với đội ngũ luật sư nước ta.
Liên đoàn cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót của luật sư; kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp; loại bỏ khỏi đội ngũ luật sư những cá nhân thoái hoá, biến chất, lợi dụng hoạt động luật sư để trục lợi, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
Chủ tịch nước cũng đặc biệt lưu ý các luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có thể bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các tranh chấp pháp lý quốc tế. Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Theo VOV