Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ

Thứ sáu , 17:00 28/03/2022 | Cafe nóng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và cơ quan giải trình, tiếp thu xin được giữ như quy định của Luật hiện hành.

2 vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội và được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 28/3 là về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Cơ quan giải trình, tiếp thu là Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và dự thảo luật được tiếp thu theo hướng này.

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ hơn, vì nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe, thực tế phạt cho tồn tại. Mức nộp phạt hành chính thấp hơn nguồn lợi thu được từ vi phạm nên họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt. Nếu không có biện pháp mạnh hơn thì tình trạng vi phạm tiếp tục xảy ra.

Hơn nữa, nếu chỉ xử phạt hành chính thì không phù hợp thông lệ quốc tế khi họ xử lý tại tòa và chúng ta theo xu hướng hội nhập cũng cần đảm bảo sự phù hợp. Ông đề nghị nên có sự phân loại trường hợp xử lý tại tòa, trường hợp xử lý hành chính.

Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba

Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phương án giữ như luật hiện hành là xác đáng. Bởi lẽ, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng có thể vi phạm trong giao dịch dân sự hoặc trong xâm phạm việc bảo đảm trật tự quản lý hành chính Nhà nước.

“Giữ nguyên như hiện hành là có cơ sở về lý thuyết và thực tiễn Việt Nam, không mâu thuẫn gì về việc vừa giải quyết hành chính, vừa giải quyết tranh chấp dân sự tại toà án. Tuỳ tính chất vi phạm, nếu dân sự thì giải quyết dân sự” – ông Đồng Ngọc Ba nêu ý kiến.

Báo cáo giải trình thêm tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lý giải việc tiếp thu giữ nguyên như luật hiện hành. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là công cụ đảm bảo quản lý Nhà nước, do đó nếu thu hẹp đối tượng sẽ dẫn đến tăng vụ việc chuyển sang tố tụng dân sự với đặc điểm thời gian, chi phí tốn kém trong khi xử lý hành chính nhanh gọn, thủ tục đơn giản, chi phí thấp và có thể chấm xứt ngay hành vi vi phạm.

Áp dụng xử lý hành chính không làm hạn chế hay loại trừ việc các đương sự khởi kiện ra toà vì đây là hai vấn đề khác nhau. Việc kiện ra toà nhằm yêu cầu bồi thường thiệt hại, còn xử lý hành chính là công cụ của Nhà nước yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, lập lại trật tự.

Hành chính thì Nhà nước đảm bảo vai trò chủ động trong phát hiện, xử lý. Còn “chuyện dân sự cốt ở đôi bên”, nếu các bên không ra tòa thì sự việc vi phạm còn đó mà Nhà nước không can thiệp được.

Hơn nữa, quan hệ sở hữu trí tuệ bản chất dân sự nhưng là “dân sự đặc thù” vì không chỉ tác động đến các bên liên quan trực tiếp mà còn tác động đến toàn xã hội thông qua các sản phẩm hàng hoá ra thị trường, nếu không bảo vệ tốt thì trước hết người tiêu dùng bị thiệt hại.

Trong bối cảnh các văn bản pháp luật đang dần hoàn thiện, nhận thức chấp hành và thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa được như mong muốn thì việc duy trì vai trò của Nhà nước để bảo đảm hoạt động lành mạnh lĩnh vực này là rất quan trọng.

“Sau khi lấy ý kiến thì các bên bên thống nhất cao việc tiếp tục giữ như quy định hiện hành. Chính phủ sau khi có ý kiến cũng hoàn toàn thống nhất với quan điểm này” – ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách

Liên quan giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, đối với phần sở hữu công nghiệp và phần giống cây trồng, dự thảo Luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì.

Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả, do tính đặc thù của đối tượng quyền tác giả, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, dự thảo Luật không mở rộng.

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.

Theo VOV
Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC