Khi doanh nghiệp bình ổn giá từ chối... tăng giá!

Chủ nhật , 14:47 06/08/2021 | Văn hóa doanh nhân

Được phép tăng giá bán nhưng không làm, một hành động ấm lòng người tiêu dùng khó khăn trong đại dịch của công ty TNHH Ba Huân.

Gần đây, Sở Công Thương TP.HCM đã đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường, sau khi xét thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Khi doanh nghiệp bình ổn giá từ chối... tăng giá! - Ảnh 1.

Kệ trứng tại một cửa hàng bách hóa quận Tân Bình, TPHCM những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: Thanh Hoa

Liệu điều này có thực sự hợp lý khi mà trong thời buổi “gạo châu củi quế”, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là thực phẩm và rau củ, đã tăng giá gấp nhiều lần trong đại dịch?

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, để bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, tăng giá đột biến. Đây có lẽ là lúc mà các cơ quan chức năng cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp về vốn, thuế, mặt bằng... chứ không phải là lúc nghĩ đến việc tăng giá khi cung ứng ra thị trường.

Điều này cũng đã được bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân khẳng định: "Các doanh nghiệp bình ổn phải đóng vai trò giải cứu thị trường: “Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới ngày hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng”.

Bà còn nói thêm: “Doanh nghiệp thực phẩm nào cũng áp lực khi thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, hàng chục năm qua tôi đã thực hiện các chương trình bình ổn, tôi nghĩ tăng giá thì có lợi cho doanh nghiệp, nhưng bây giờ không phải lúc”.

Khi doanh nghiệp bình ổn giá từ chối... tăng giá! - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân.

Có lẽ câu chuyện từ chối tăng giá bán của công ty Ba Huân đang khiến người ta liên tưởng đến việc “lùm xùm” của chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, khi dư luận phản ánh tăng giá bán trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Dù rằng sau đó, CEO Bách Hóa Xanh, ông Trần Kinh Doanh cho rằng, việc tăng giá bán hàng hóa không phải vì mục đích lợi nhuận mà vì các lý do khách quan như hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông…

Trên thực tế, bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.

Còn đối với doanh nghiệp cung ứng trên thị trường, cũng cần có kế hoạch chi tiết trong việc phân bổ, điều tiết hàng hóa giữa các khu vực. Dự báo sát nhu cầu của người dân cũng như khả năng đáp ứng những mặt hàng còn khan thiếu để chuẩn bị kỹ càng; rà soát việc tích trữ hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá, tác động xấu đến thị trường.

Song, khi nhìn vào thực tế thị trường tại TP. HCM sau khi thực hiện giãn cách xã hội, tình trạng người dân tại đây phải đổ xô và xếp hàng dài khi đi mua thực phẩm ở các siêu thị mới được ghi nhận với lý do quá nhiều người đi mua sắm, "giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng".

Sau hơn một năm chật vật vì dịch bệnh COVID-19 hoành hành, người dân Việt Nam đã quá đuối sức nhiều doanh nghiệp cũng hụt hơi, cầm cự đợi thời. Nhưng cũng chính trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng, những doanh nghiệp, doanh nhân “có tâm, có tầm” bằng hành động nhỏ, thiết thực, lại cho thấy được giá trị của sự tử tế vẫn là nền tảng của cuộc sống.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

C C C
VOV - Đài truyền hình KTS VTC