Câu hỏi đặt ra là liệu trong giới trẻ ngày nay, khoảng cách tâm lý giữa con người với nhau đã quá lớn. Trước những tình huống khẩn cấp được chứng kiến, dường như khả năng thấu cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác đã không còn.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, dường như con người chúng ta ngày càng ít để tâm đến nhu cầu và giúp đỡ nhau hơn. Có chăng cuộc sống vội vã, bon chen nơi xứ người có quá nhiều công việc đòi hỏi những người trẻ phải chú ý và họ chỉ tập trung vào những gì có liên quan đến bản thân, lợi ích, cơm áo gạo tiền của mình.
Cuộc sống hàng ngày đã quá quen với việc vội vàng chen lên trước người khác khiến các cá nhân dần hình thành thói quen ích kỷ khi chỉ chú ý đến nhu cầu cảm xúc bản thân mà không còn nhạy cảm chú ý đến nhu cầu cảm xúc hay câu chuyện của những người xung quanh mình nữa.
Thế hệ trẻ bây giờ được sinh ra trong nền kinh tế thị trường, ý thức sớm về khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập nên họ luôn có động lực về kinh tế, quan tâm lớn đến việc kiếm tiền từ sớm nên có thể sống thực dụng hơn.
Để cân nhắc có giúp đỡ người khác hay không, một cách vô thức hoặc hữu thức, trực giác cá nhân sẽ phải tính toán xem giữa cái mất và cái được thì bên nào nặng hơn khi giúp đỡ người khác.
Việc giúp chỉ đường cho người khác chẳng mất gì nhiều mà cái lợi thu được “mình là người tốt”, lại có cơ hội được rao giảng tình huống đạo đức, bài học triết lý sâu sắc, tinh thần phản biện giá trị xã hội trên internet nên hầu hết ai cũng sẵn sàng giúp đỡ.
Nhưng để giúp đỡ một người bị tai nạn có khả năng tử vong thì cá nhân sẽ phải cân nhắc những cái mất kỹ càng hơn ví dụ như mất thời gian, sẽ phải vướng vào các thủ tục phiền phức khi phải khai báo sự việc với công an, thậm chí có thể bị đánh trả thù…
Những cái mất này sẽ được đưa lên bàn cân với những cái được khi giúp đỡ ví dụ như sự biết ơn của người được giúp đỡ... để mà cân nhắc.
Tất nhiên, việc cân nhắc đi đến quyết định giúp đỡ hay không giúp đỡ tùy thuộc vào những giá trị cốt lõi mà cá nhân đó đã hình thành chứ không phải các giá trị đạo đức thể hiện qua phát ngôn trên mạng.
Tuy vậy, nhiều khi quyết định giúp đỡ trong một tình huống khẩn cấp còn phụ thuộc vào sự diễn giải của người chứng kiến nữa. Nếu người chứng kiến cho rằng đây là cuộc thanh toán giữa các băng đảng thì về cơ bản họ sẽ không muốn dính vào phiền phức này.
Hoặc họ quan sát thấy có nhiều người xung quanh cũng chứng kiến sự việc nhưng chẳng ai giúp đỡ cả thì cá nhân sẽ tự diễn giải và an ủi mình là “xích mích bình thường ấy mà” chẳng có gì khẩn cấp cả. Trách nhiệm đâu có thuộc về mình, nếu có gì đó không hay xảy ra thì trách nhiệm thuộc về tất cả những người xung quanh đây đã nhìn thấy nó cơ mà.
Đó chính là hiệu ứng “người đứng nhìn” hay thực trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” như ngôn ngữ bình dân chúng ta thường nói.
Ngoài ra, cá nhân có thể có những ý định giúp đỡ nhưng lại không hành động vì không có kỹ năng để giúp đỡ. Ví dụ nhìn thấy vụ án mạng thì hoảng loạn theo và không có kỹ năng để kiểm soát cảm xúc nên cũng chẳng biết hành động thế nào cho lý trí cả. Hoặc nhìn thấy người đuối nước nhưng bản thân không biết bơi.
Và vì vậy, chúng ta phân tích, nhận diện nguyên nhân của chứng bệnh vô cảm nhưng không tấn công những “người đứng nhìn” vì có thể dẫn đến việc họ che dấu sự việc.
Điều nên làm là tuyên truyền để tạo niềm tin rằng giúp đỡ những người yếu thế hay đang bị thiệt thòi, tổn thương là một việc tốt. Thông qua giáo dục giá trị cho cộng đồng, biến nó trở thành một chuẩn mực xã hội để mọi cá nhân đều cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ người khác vì họ thấu cảm với nỗi đau của nạn nhân. Để cho từng người cảm nhận được lợi ích của lòng trắc ẩn, giá trị của sự công bằng, hoàn thành trách nhiệm xã hội là phần thưởng lớn hơn so với những nguy cơ phiền phức của việc giúp đỡ người khác mang lại.
Diễn đàn Doanh nghiệp