Trước thắc mắc của người tiêm về sử dụng lá kinh giới, tía tô trước và sau tiêm có giảm được các tác dụng phụ do vaccine COVID-19, Bác sĩ Nguyễn Quang Dương đã đưa ra lời khuyên.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thường có các tác dụng phụ khi tiêm vaccine Covid-19 như đau mỏi cơ thể, đau các khớp, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và các triệu chứng khác giống như cúm,…
“Để giảm các triệu chứng sau tiêm, người tiêm có thể dùng lá kinh giới trước tiêm vì trong thành phần của kinh giới chứa tinh dầu có tác dụng khai thông các lỗ chân lông, khai mở các kinh lạc, trừ phong tà, hành khí trong huyết, làm giảm nhẹ các triệu chứng cảm cúm. Hiện nay nhiều người hay dùng tía tô trước và sau khi tiêm nhưng nếu so về tác dụng thì kinh giới có tác dụng mạnh hơn. Riêng phụ nữ có thai tiêm phòng vaccine COVID-19 thì nên dùng tía tô lý do là tía tô có tác dụng an thai” – Bác sĩ Nguyễn Quang Dương hướng dẫn cách giảm tác dụng phụ khi tiêm vaccine Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Quang Dương lý giải, theo y học cổ truyền, kinh giới có vị cay, tính ấm, không độc, quy kinh phế và kinh can.Trong các loại lá cây gần gũi với người dân thì kinh giới có tác dụng nhiều trong cuộc sống, dễ ăn, lá tắm mát trị rôm sảy và bệnh ngoài da. Giã kinh giới vắt lấy nước điều trị ho gió lâu ngày. Kinh giới có tác dụng kháng viêm tốt nên dùng trong viêm họng đạt hiệu quả cao.
Kinh giới là thuốc giải biểu, hạ sốt do tà xâm phạm biểu là trở ngại cho phế, nên nó giúp cho phế lưu thông và một phần trị phong hàn phạm phế, đặc biệt tốt cho các dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi… nhiều tác dụng khác nữa.
Bên cạnh lá kinh giới, nhiều người cũng mách nhau uống nước lá tía tô sẽ làm giảm tác dụng phụ khi tiêm vaccine Covid-19, về việc này Bác sĩ Nguyễn Quang Dương cho rằng: “Các bệnh nhân sau tiêm chủng hay có các dấu hiệu như ho, viêm họng, sốt, đau mình mẩy, đau các khớp, đau mỏi người, thậm chí ca nặng có thể phát sinh khó thở, dị ứng. Việc cần kíp lúc này là hạ nhiệt, giảm đau, bù dịch, nghỉ ngơi hợp lý.
Uống nước tía tô có tác dụng tốt vì lý do tía tô có tác dụng hành khí, trừ phong. Tía tô có tác dụng khác nữa mà mọi chị em hay sử dụng do có tính chống oxy hóa, giảm sự lão hóa, cải thiện dung nhan bằng phương pháp tắm hoặc uống nước tía tô thường xuyên hơn nữa. Lá tía tô khi uống nhiều sẽ giảm sự căng thẳng, bốc hỏa tuổi mãn kinh. Do đó, dùng tía tô cho người trước và sau tiêm có thể giảm được các triệu chứng”.
Theo y học cổ truyền, lá tía tô có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung; giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc cua cá. Cành không có tác dụng phát biểu, chỉ có tác dụng lý khí. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai, ngộ độc cua cá. Thông thường lá tía tô (tô diệp) có tác dụng cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp cho quá trình tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo.
Ngoài ra, tía tô còn có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá. Cành tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp.
Tuy nhiên người tiêm có thể cân nhắc việc dùng kinh giới thay tía tô tác dụng sẽ đạt hiệu quả cao hơn hoặc kết hợp cả hai thứ trên. Và nên uống nhiều nước chanh đường sau khi tiêm sẽ giúp bạn bù nước, giảm nhiệt, đỡ mất nước, bù dịch và năng lượng. Kinh giới chứa nhiều tinh dầu hơn tía tô và dễ ăn hơn, kinh giới có vị cay mạnh nên có tác dụng phát tán mạnh hơn.
Cách làm nước uống từ lá tía tô, kinh giới như sau: Tía tô, kinh giới cắt lấy lá, bỏ cành đi. Sau đó, rửa thật sạch rồi để cho ráo nước. Đặt nồi lên bếp cho 2 lít nước vào nấu sôi, cho lá tía tô vào trộn đều cho ra màu nấu khoảng 3 đến 5phút. Sau đó cho vào cái rây, để nguội rồi vắt lấy nước.
Tiếp đó, cho 500g đường phèn vào nồi nước tía tô, kinh giới nấu với lửa nhỏ khuấy đều cho đường tan hết. Nếu không có đường phèn thì thay thế bằng đường cát trắng cũng được.
Nấu cho nước sôi nhẹ lên khoảng 3 phút thì tắt bếp, không nấu quá lâu nước sẽ cạn. Cho tiếp 20g citrit acid vào nồi nước tía tô, kinh giới (nếu không có thì thay thế bằng nước cốt chanh 2 muỗng canh). Khuấy đều nước sẽ chuyển màu rất đẹp. Lá tía tô, kinh giới sau khi vớt ra để nguội vắt lất hết nước.
Theo Gia đình Việt Nam