Ngành y tế cùng các lực lượng bộ đội, công an đang dồn tổng lực hỗ trợ TP.HCM và tỉnh, thành phía Nam ứng phó với diễn biến dịch COVID-19 vô cùng phức tạp.
Con số F0 tăng thêm hàng nghìn ca mỗi ngày tại TP.HCM hay Bình Dương, gây áp lực vô cùng lớn lên hệ thống khám chữa bệnh và đặc biệt là các “chiến sĩ áo trắng” ở tuyến đầu chống dịch. Trong khi chính bản thân các sĩ bác sĩ là những người luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
Tính đến ngày 24/8, TP.HCM ghi nhận hơn 184.870 ca mắc COVID-19, trong đó, hơn 47.000 F0 cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà. Theo đó, để tháo gỡ áp lực quá tải, TP.HCM cho biết đang tăng cường thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng điều trị và kết nối hỗ trợ, chăm sóc cho bệnh nhân cách ly tại nhà.
Sở Y tế TP.HCM đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0”, đồng thời, hướng dẫn toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên, nếu bệnh nhân có cảm giác khó thở, đo SpO2 dưới 95% nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế thì sử dụng.
TP.HCM cũng đã lên phương án lập 400 - 1.000 Trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để quản lý F0, hỗ trợ, tư vấn, điều trị F0 tại nhà, hỗ trợ chuyển đi cấp cứu. Bên cạnh đó, các lực lượng y tế tại TP.HCM còn tổ chức các đội “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” hay mô hình “Bệnh viện dã chiến ONLINE”...
Các bác sĩ tại TP.HCM cho biết, hiện có rất nhiều nhóm hỗ trợ F0 tại nhà với các mô hình khác nhau. Các nhóm hỗ trợ này liên hệ chặt chẽ với các nhóm cung cấp oxy miễn phí, nhóm xe cứu thương miễn phí để hỗ trợ tốt nhất các bệnh nhân khi điều trị tại nhà.
Theo BS Nguyễn Khánh Linh, một thành viên nhóm “Bệnh viện dã chiến ONLINE”, cái tên của nhóm là đã nói lên tất cả, các bác sĩ làm sẽ y như tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện: “Với Bệnh viện dã chiến ONLINE, bệnh nhân sẽ nằm trên chính chiếc giường của mình và người điều dưỡng chăm sóc, thực hiện y lệnh của bác sĩ lại chính là người nhà của bệnh nhân”.
Bác sĩ Khánh Linh cho biết, mô hình này do một nhóm các y bác sĩ tại TP.HCM thành lập sau khi hỗ trợ hiệu quả và thậm chí là giúp điều trị khỏi bệnh những F0 là chính người thân và bạn bè của mình.
“Tại nhiều gia đình tất cả các thành viên đều là F0 và họ sẽ chăm sóc tốt nhất được lẫn nhau, nhất là với trường hợp bệnh nhân là người cao tuổi người nhà chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ là tốt nhất. Nhiều người cũng cảm thấy thoải mái về tâm lý hơn khi chữa bệnh tại nhà”, BS Khánh Linh chia sẻ.
Nhóm “Bệnh viện dã chiến ONLINE” vận hành với các bước đơn giản được thực hiện và trao đổi trên Zalo. Đầu tiên là tiếp nhận thông tin bệnh nhân để đánh giá và quyết định cho “nhập viện” (tức mở hồ sơ bệnh án điện tử theo dõi tiếp) hay “về nhà” (chỉ tư vấn qua điện thoại rồi đóng bệnh án).
Khi bệnh nhân “Nhập viện”, bác sĩ trong nhóm sẽ làm hồ sơ bệnh án, phân loại bệnh nhân thuộc nhóm cấp cứu hay trì hoãn. Theo đó, sẽ có 1 nhóm theo dõi gồm bác sĩ và điều dưỡng, y tá, nữ hộ sinh, để ra y lệnh oxy và thuốc, gọi đơn vị cung cấp oxy mang oxy đến tận nhà, hỗ trợ thuốc hoặc máy đo SPO2 nếu bệnh nhân khó khăn không thể tìm được.
Các bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh và cho “xuất viện”. Ngoài ra, nhóm bác sĩ cũng sẽ hỗ trợ với trường hợp bệnh nhân phải “chuyển tuyến” từ “Bệnh viện dã chiến ONLINE” vào Bệnh viện dã chiến thực sự.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những khó khăn khi hướng dẫn người nhà bệnh nhân theo dõi các chỉ số và sử dụng bình oxy đúng cách, BS Khánh Linh cho biết, mọi thao tác và chỉ số trên bình oxy được các bác sĩ quay video hướng dẫn cụ thể, đồng thời người bệnh, người nhà bệnh nhân có thể “video call” trực tiếp để các y bác sĩ hướng dẫn.
“BS nhận bệnh video call cho người nhà để chẩn đoán tình trạng bệnh nhân, đa phần sẽ ra y lệnh oxy trước để cấp cứu tình trạng khó thở của bệnh nhân. Nếu không ai trong gia đình có zalo, hoặc người già lớn tuổi, sẽ gọi điện thoại thường và theo dõi qua điện thoại. Trường hợp này ít, đa phần đều có Zalo. Trong thời gian chờ oxy tới, y bác sĩ cũng sẽ lập nhóm theo dõi người bệnh, gồm cả người nhà bệnh nhân. Trường hợp cần hội chẩn bác sĩ chuyên khoa thì chỉ cần thêm bác sĩ chuyên khoa vào nhóm đó”, BS Linh giải thích cụ thể.
Thông tin và quá trình theo dõi, điều trị bệnh nhân sẽ được lưu theo các file mẫu và ghim lưu ý về từng trường hợp bệnh nhân để các bác sĩ khác nhau đều có thể tiếp nhận, tóm tắt bệnh an nhanh chóng.
Từ thời điểm thành lập chỉ có 3 người, đến nay, nhóm “Bệnh viện dã chiến ONLINE” đã có hơn 40 thành viên và hơn 30 người trong nhóm cung cấp oxy. Có 4 “team” nhận bệnh chính, mỗi team 6-7 người, còn lại gồm: chuyên gia tư vấn quy trình, BS chuyên khoa sâu (hồi sức cấp cứu, nội khoa, nội tiết, nhi khoa). Các y bác sĩ cũng chia lịch trực đêm, nhắn cho tất cả các group bệnh nhân số điện thoại bác sĩ trực để gọi trực tiếp nếu trở nặng trong đêm.
Theo VOV