Điều đó cho thấy, vấn đề ở ngay chính trong "quy trình" đã phê duyệt và cho phép phá hủy tòa nhà.
Khu đất 61 Trần Phú được đánh giá là “kim cương” này rộng hơn 9.000 m2 có vị trí đặc biệt đắc địa với 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực, nằm cách không xa Lăng Bác và Toà nhà Quốc hội.
Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, việc cho phép phá dỡ nhà máy cũ này là vì công trình không nằm trong Danh mục công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua năm 2013.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, lý do “đúng quy trình” được các đơn vị chức năng đưa ra chỉ là để biện minh cho những mục đích đáng ngờ khác khi phá dỡ công trình trăm tuổi này. Do đó, quy trình này cần phải được xem xét lại thật kỹ, đồng thời qua vụ việc này, cần có quy trình giám sát việc di dời nhà máy ra ngoài, trả lại không gian công cộng, không gian xanh trong trung tâm Hà Nội.
Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội đưa ra dẫn chứng, ngay tại vị trí này, năm 2013 đã có QĐ 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 cho phép xây 11 tầng, mật độ xây dựng 50%. Tuy nhiên, chúng ta đã biết công trình 8B Lê Trực mà đã gây ra tác hại như thế nào và các cơ quan TW và địa phương khắc phục chật vật ra sao. Nên tất cả các dự án liên quan cần được công bố công khai bàn thảo công khai, đừng che rào vội và phá tan tành như vậy.
Ngoài ra, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế tại Học viện Tài chính, việc chuyển hóa và phê duyệt dự án này đang được thực thi chưa đầy đủ, không phù hợp với quy trình đầu tư xây dựng mà đáng lẽ cần phải thực hiện một cách minh bạch.
Cũng theo giới chuyên môn, khu vực này đã được các nhà đầu tư bất động sản nhắm tới từ 30 năm trước; đồng thời cũng cảnh báo về tình trạng ngay khi hàng loạt các nhà máy nằm trên đất "vàng" này "biến mất" thì thay vào đó là các bất động sản cao tầng.
Còn về khu đất 61 Trần Phú, tháng 12/2011, Công ty cổ phần thiết bị Bưu điện (Postef) đã ký hợp đồng hợp tác với Liên danh Công ty CP Liên Việt Holdings – Công ty CP Him Lam để đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại 61 Trần Phú với tổng mức đầu tư 1.574,5 tỉ đồng. Vốn góp của các bên trong dự án là 1.039,2 tỷ đồng.
Theo đó, Postef thực hiện góp vốn bằng lợi thế quyền sử dụng khu đất tương ứng là 530 tỷ đồng (chiếm 51% giá trị vốn góp). Bên liên danh góp vốn bằng tiền là 509 tỷ đồng (chiếm 49% tổng giá trị vốn góp).
Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng nhóm nhà đầu tư đã theo đuổi từ đầu sẽ dần thâu tóm toàn bộ dự án.
Cũng theo các chuyên gia, trong quá trình thực hiện các dự án đất vàng, nếu chúng ta không cẩn trọng thì sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp tư nhân sẽ tham gia với các hình thức liên danh, liên kết hoặc thông qua các hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) để hợp pháp hóa các khu đất công hoặc đất đã từng là đất công sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để biến những “miếng mồi ngon” này thành sở hữu tư nhân. Đây là lỗ hổng cần phải bịt lại để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, đặc biệt là với những khu đất có giá trị rất cao như 61 Trần Phú.