Theo số liệu của Forbes Slovekia, chỉ trong hai năm hoạt động, doanh thu của nhà hàng Phở đạt 3,4 triệu USD. Đại diện của tạp chí nhấn mạnh thêm Vũ Thảo Hương cũng là người Việt đầu tiên lọt danh sách uy tín do Forbes bình chọn. Cô gái trẻ này cũng từng đạt danh hiệu Hoa khôi người Việt tại Slovekia.
Nghị lực vươn lên
Sinh ra tại Bratislava vào năm 1993, Vũ Thảo Hương lớn lên ở làng Ivanka pri Dunaji, cách trung tâm thủ đô khoảng 15 km về phía tây. Cha cô là người Hà Nội, mẹ đến từ Nam Định. Hai người gặp nhau tại Warsaw, Ba Lan, sau khi hoàn thành chương trình học ở châu Âu.
Là chị cả trong gia đình có 4 chị em, Hương từ khi học tiểu học đã giúp ba mẹ sắp hàng quần áo kinh doanh vào kho. Lên phổ thông, Hương đi cùng bố sang Ba Lan để lấy các mẫu mã mới, ghi đơn hàng tại các hội chợ, triển lãm ở khắp Slovakia. Là những người Việt duy nhất trong làng, cô và các em thường xuyên bị trêu chọc trên phố và ở trường. Hàng rào nhà Hương thi thoảng xuất hiện những hình vẽ chế giễu người châu Á.
"Sự phân biệt của những người xung quanh khi đó khiến tôi tự nhủ mình phải học thật giỏi, nỗ lực để chứng minh người Việt có thể vươn lên", Hương chia sẻ.
Cô tham gia nhiều cuộc thi toán của khu vực dành cho học sinh trung học và đoạt các giải ba. Hương cũng giành được học bổng trị giá 35.000 euro của trường quốc tế Anh ngữ Bratislava, có thể chọn học tại Havard, Mỹ hoặc Oxford, Anh. Tuy nhiên cô đăng ký vào chi nhánh của Đại học Seattle ở Bratislava. Trong khi làm việc cho công ty Heitman, một trong các quỹ đầu tư nước ngoài ở Slovakia, Hương đến Anh học thạc sĩ chuyên ngành đầu tư bất động sản và tài chính của Đại học Reading. Sau đó, cô chuyển sang Sharow Capital, là công ty quản lý tài sản và đầu tư bất động sản.
Thảo Hương chia sẻ: "Mẹ tôi thường hay nấu các món ăn Việt ở nhà vì thế đồ ăn Việt gắn bó với tôi như một phần tất yếu. Cách ăn uống món Việt cũng rất khác biệt, chúng tôi thường hay có những bữa cơm gia đình và mời bạn bè người thân đến nhà". Tình yêu ẩm thực đối với quê hương cùng kinh nghiệm về quản lý bất động sản thôi thúc cô mở một nhà hàng cho riêng mình.
Khát khao đưa ẩm thực Việt Nam lên tầm quốc tế
Cơ hội đến với Hương vào tháng 8/2017, khi cô và anh họ, Thắng Trần, đem một số đồ ăn Việt đến giới thiệu tại lễ hội âm nhạc Grape tại Piešťany. Trong hai ngày, nhóm của cô phải làm việc luôn tay để phục vụ lượng khách xếp hàng "dài như vô tận". Hai món được yêu thích nhất là phở bò và bún bò Nam Bộ.
Sức hấp dẫn bất ngờ của các món ăn Việt tại lễ hội Grape khiến Hương quyết tâm mở nhà hàng riêng. Sau khi bàn với chồng, Jozef, người cô từng chia sẻ về kế hoạch từ khi anh là bạn trai, cô gọi điện cho Thắng Trần, ngỏ lời mời tham gia với tư cách bếp trưởng. Cũng là người gốc Nam Định, nơi được coi là quê hương của món phở bò nổi tiếng, Thắng còn có nhiều năm kinh nghiệm làm trong các nhà hàng ở Slovakia và Đức.
"Chúng tôi mở được nhà hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Bory vào cuối 2017, ba tháng sau khi thử nghiệm", Hương hồ hởi nói.
Nhà hàng Phở được mở ra từ tháng 6/2017. Ban đầu nó là một địa chỉ để người dân Slovakia biết tới, có cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt Nam. Sau này, khi tình hình kinh doanh phát triển hơn, Phở còn là Thảo Hương giúp đỡ chính đồng hương. Bằng chứng là nhà hàng có 50 nhân viên thì tới 2/3 là người Việt.
Các món ăn quen thuộc của nhà hàng Phở được cô gái trẻ dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, chuẩn bị. Ví dụ như phở bò, phở gà, bún bò Nam Bộ hay gỏi xoài... Quá trình ninh nước lèo của nhà hàng Phở rất kỹ bởi chất lượng là yếu tố hàng đầu Thảo Hương nhắm đến. Được biết thêm, anh họ Thảo Hương quê gốc Nam Định hiện đang giữ vai trò bếp trưởng. Do đó, nhà hàng Phở càng như được tiếp sức bởi một bàn tay "chuẩn vị quê nhà".
Một yếu tố cơ bản giúp món phở của cô thu hút thực khách, theo Hương, là nước dùng thơm và ngọt tự nhiên vì xương được ninh đến 10 tiếng. Đến tháng 12/2018 và tháng 2/2019, Hương lần lượt mở cửa hàng thứ hai và thứ ba tại các trung tâm thương mại Avion, Eurovea.
Trong khi Thắng Trần chăm chút cho thực đơn, Hương chịu trách nhiệm quản lý chung. Cô phá vỡ định kiến "nhà hàng khó thành công trong các trung tâm thương mại", nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản thương mại. Đến 2019, Hương dừng việc ở Sharow Capital để dành toàn tâm trí cho Phở. Quãng thời gian cô sống trong suy tư "mình là ai, một người Việt sống trong xã hội Slovakia" đã trở thành quá khứ.
"Mỗi ngày tôi đều mỉm cười, không còn băn khoăn về khác biệt của mình nữa. Sự khác biệt đó đang đem đến thành công cho chúng tôi", Hương nói.
Vững tay chèo...
Niềm hứng khởi của Hương dành cho nhà hàng đầu tay bất ngờ gặp "cơn bão Covid-19" vào đầu năm 2020. Khi châu Âu trở thành tâm dịch, Slovakia và hàng loạt quốc gia phải áp lệnh phong toả để chặn virus. Lượng hàng bán ra tại các cửa hàng của Phở sụt giảm mạnh, doanh thu mất đến 80%.
Sau khi đánh giá tình hình, Hương áp dụng một loạt biện pháp duy trì hoạt động của nhà hàng: đăng ký các ứng dụng giao hàng online, hợp tác với các công ty bán hàng trực tuyến, cắt giảm chi phí, dừng đầu tư mới, xem xét kết quả công việc của từng tuần. Cô cũng yêu cầu nhân viên ngừng sử dụng phương tiện công cộng, không đến các điểm giải trí đông người. Một số nhân viên người Việt trở về Việt Nam tránh dịch, đồng ý tạm thời bị giảm lương. Khi Slovakia nới các biện pháp hạn chế chặn dịch, Hương chọn cửa hàng ở nơi có mật độ giao thông lớn để mở lại, kết hợp bán take-away, mở rộng phạm vi giao hàng ở khắp Bratislava.
Thời gian tới, Hương muốn mở thêm một cửa hàng có vị trí chiến lược để đảm bảo hiệu quả kinh doanh sau đại dịch. Cô muốn đảm bảo việc làm ổn định cho 50 nhân viên, trong đó người Việt chiếm đến 2/3. Người Việt là thành phần chủ chốt giúp cô duy trì chất lượng đồng nhất các món ăn trong chuỗi nhà hàng, tuân thủ nguyên tắc hàng đầu "thực phẩm có lợi cho sức khoẻ".
"Tôi muốn Phở không chỉ trở thành chuỗi lớn nhất, mà còn là đối tác đáng tin cậy nhất trong ngành nhà hàng ở Trung Âu", Hương nói.