Cần làm rõ những bất thường xung quanh văn bản vừa thu hồi của Bộ Y tế

Thứ năm , 14:34 29/07/2021 | Góc nhìn chuyên gia

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh phải làm rõ những vấn đề bất thường trong văn bản của Bộ Y tế.

Ngày 26/7, Bộ Y tế vừa ra văn bản số 5967/BYT - YDCT để thu hồi công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Đáng nói, văn bản này được thu hồi chỉ 2 ngày sau khi ban hành.

Cần làm rõ những bất thường xung quanh văn bản vừa thu hồi của Bộ Y tế - Ảnh 1.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng văn bản vừa ra đời ngay lập tức thu hồi?

Văn bản vừa ra đời ngay lập tức đã bị thu hồi là tình trạng không đáng có trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này vẫn cứ xảy ra.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên có nhiều. Nhưng dưới đây là một vài nguyên nhân cơ bản nhất.

Trước hết, văn bản có lỗi về mặt kỹ thuật. Ví dụ, một loạt trong danh mục các sản phẩm đông y được liệt kê hoàn toàn không có tác dụng tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ hai, văn bản ban hành sai quy trình. Ví dụ, quy trình kỹ thuật của chính sách bao gồm: Nhận biết vấn đề; nghiên cứu nhận biết nguyên nhân của vấn đề; đề ra giải pháp để xử lý vấn đề; đánh giá tác động của chính sách- đã không được thực hiện.

Thứ ba, văn bản ban hành vượt thẩm quyền. Ví dụ, Hiến pháp chỉ cho phép hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng luật, thì các cơ quan hành chính không thẩm quyền ban hành văn bản liện quan đến việc hạn chế này.

Thứ tư, văn bản ban hành dưới tác động của lợi ích nhóm. Ví dụ như những dị nghị của dự luận về công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu bị dư luận cho rằng được ban hành dưới tác động của một số nhóm doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng.

Từ quan điểm cá nhân, theo ông, còn những vấn đề nào cần được làm rõ trong văn bản này của Bộ Y tế, thưa ông?

Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có một hình ảnh công chúng rất tốt. Ông tận tụy, xông xáo, hiểu biết công việc. Tôi tin công văn nói trên không phải là chủ trương của ông. Rất có thể vì quá bận rộn hoặc do bị trình bẩm khôn khéo thế nào đó, nên ông đã ký một văn bản như vậy.

Thế nên, một số vấn đề cần làm rõ ở đây là:

Thứ nhất, ai/bộ phận nào của Bộ Y tế đã đưa ra sáng kiến về việc ban hành một văn bản như vậy?

Thứ hai, quan hệ giữa người đó/bộ phận đó với các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm có liên quan như thế nào?

Thứ ba, quy trình thẩm định dự thảo văn bản đã hợp lý chưa? Đơn vị thẩm định về mặt nội dung chuyên môn, đơn vị thẩm định về mặt pháp lý và thủ tục đã làm tròn trách nhiệm chưa?

Thứ tư, cũng có ý kiến cho rằng công văn này bị thu hồi là do tác động của nhóm cạnh tranh là các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm Tây y. Vậy cũng cần phải làm rõ điều này có không?

Một số ý kiến cho rằng, việc xã hội hoá việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật sẽ giải quyết được tình trạng này? Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Xã hội hóa quả là xu thế đang vào mốt hiện nay. Tuy nhiên, lập pháp là cách phản ứng quan trọng nhất của Nhà nước trong quá trình quản trị quốc gia. Đây là hoạt động mang tính chính trị rất cao vì nó phản ánh ưu tiên của Nhà nước. Với tính chất này, xã hội hóa việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là bất khả thi.

Tuy nhiên, khi ưu tiên đã được xác lập, chính sách lập pháp đã được thông qua, một loạt việc khác như đáng giá tác động của chính sách lập pháp; soạn thảo văn bản… chỉ còn là những công việc mang tính kỹ thuật. Những việc này hoàn toàn có thể xã hội hóa được. Tuy nhiên, tôi không tin là những năng lực như đánh giá tác động của chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tồn tại dư giả trên thị trường.

Để khắc phục những bất cập từ thực tiễn trên, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như thế nào đối với từng tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Trách nhiệm là một phần của vấn đề. Tuy nhiên, đó không hẳn là phần quan trọng nhất. Chính vì vậy xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ không giải quyết được vấn đề. Phần quan trọng nhất của vấn đề nằm ở triết lý và động lực của quy trình lập pháp. Chúng ta cần phải làm rõ được triết lý của công đoạn Chính phủ trong quy trình lập pháp là gì; công đoạn Quốc hội trong quy trình lập pháp là gì? Động lực thúc đẩy quy trình lập pháp được thiết kế như thế nào? Quy trình chính trị của chính sách khác với quy trình kỹ thuật của chính sách như thế nào? Hai quy trình này được tổ chức ra làm sao? Đây là những vấn đề quan trọng và cơ bản hơn xử lý trách nhiệm rất nhiều.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

VOV - Đài truyền hình KTS VTC