Hồi tháng 5 vừa qua, ông chủ quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Bridgewater Associates tiết lộ bản thân cũng đang giữ một lượng Bitcoin nhất định trong tay, song từ chối cho biết số lượng cụ thể.
"Tôi sẽ chọn vàng"
Tỷ phú Ray Dalio được biết đến là một người rất thành công với cương vị là nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, Bridgewater Associates. Quỹ đầu cơ này, được ông Dalio thành lập tại căn hộ của mình ở New York vào năm 1975, hiện quản lý khối tài sản trị giá khoảng 160 tỷ USD. Theo Forbes, hiện ông là người giàu thứ 88 thế giới với khối tài sản ròng trị giá 20,3 tỷ USD.
Vị tỷ phú cho rằng, "có một số loại tài sản bạn muốn sở hữu để đa dạng hóa danh mục đầu tư và Bitcoin là một thứ giống như vàng kỹ thuật số” – nhưng hai tài sản này không phải "kẻ tám lạng, người nửa cân".
Sở hữu số lượng tiền điện tử nhất định nhưng ông Dalio nói: "Nếu bạn chĩa súng vào đầu tôi vào nói: "Ông chỉ được chọn một trong hai", thì tôi sẽ chọn vàng".
Với vàng, ông Dalio có nhận định tích cực. Năm 2019, ông viết trên LinkedIn rằng bổ sung vàng có thể giúp cân bằng danh mục đầu tư vì kim loại quý này vừa giúp giảm rủi ro vừa tăng cường lợi nhuận. Chỉ trong quý II năm ngoái, Bridgewater Associates đã rót tới hơn 400 triệu USD vào vàng.
Theo Reuters, các ngân hàng trung ương hiện đang nắm giữ hơn 35.000 tấn vàng, tương đương 1/5 tổng số vàng từng được khai thác. Thông thường ngân hàng trung ương sở hữu vàng để đa dạng hóa dự trữ, và vì vàng là hàng hóa vật chất hữu hạn, nên kim loại quý này được xem là công cụ phòng vệ tự nhiên chống lại lạm phát.
Bitcoin cũng có thể là một tài sản giúp phòng vệ lạm phát, như chính ông Dalio đã nói với Coindesk hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên nếu phải chọn một trong hai, ông sẽ chọn vàng. Bởi trong lịch sử từ xưa tới nay, kim loại quý vẫn được xem là “kho lưu trữ giá trị” - một tài sản có thể được nắm giữ và chuyển đổi thành tiền mặt với giá tương đối giống như giá mua ban đầu.
Nói cách khác, biến động của bitcoin là điều đáng ngại đối với ông Dalio bởi rất có thể nó sẽ bị chính phủ Mỹ cấm. Gần một thế kỷ trước, một tiền lệ đã xảy ra: Năm 1934, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký Đạo luật Dự trữ Vàng, yêu cầu chuyển giao tất cả vàng và chứng chỉ vàng do tư nhân nắm giữ trong nước cho Bộ Ngân khố Mỹ.
Vào thời điểm đó, Mỹ tuân thủ chế độ bản vị vàng; Roosevelt hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước thoát khỏi cuộc Đại suy thoái bằng cách phá giá đồng USD. Hồi tháng 3, Dalio nhận định, bất kỳ sự suy thoái kinh tế lớn hoặc sự kiện lạm phát nào cũng có thể đưa đến việc áp đặt một hành động tương tự đối với bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
Nhiều chuyên gia tài chính cũng cảnh báo về biến động của tiền mã hóa, khuyến nghị mọi người chỉ nên đầu tư số tiền mà họ sẵn sàng để mất sạch.
Đối với ông Dalio, bitcoin chỉ là phần nhỏ trong danh mục đầu tư: "Tôi chỉ nghĩ về bitcoin là tài sản để đa dạng hóa danh mục. Nhìn chung, tôi không thực sự biết giá bitcoin sẽ tăng hay giảm. Tôi có thể lập luận cho cả hai phía".
Ông Dalio chỉ ra điều quan trọng là tiếp tục đánh giá lại các khoản đầu tư và tránh mua thêm những tài sản như bitcoin chỉ vì một giai đoạn tăng giá tốt. Ông khuyên: "Hãy thận trọng về những tài sản mà bạn sẽ đổ tiền vào. Và hãy đa dạng hóa trên toàn cầu, không chỉ ở nước Mỹ".
Học hỏi từ chính sai lầm của mình
Trong một bài viết trên Twitter cách đây không lâu, tỷ phú Ray Dalio chia sẻ lại lời khuyên được trích từ cuốn sách xuất bản năm 2018 của ông, “Principles: Life & Work” về những nguyên tắc hàng đầu để đạt được thành công. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh cách mọi người có thể học học từ chính những sai lầm của mình.
“Mọi người đều có điểm yếu và chúng thường được bộc lộ trong những sai lầm mà họ mắc phải. Vì vậy, cách nhanh nhất để thành công là hiểu rõ điểm yếu của bản thân và chăm chỉ cải thiện chúng bằng việc viết ra những sai lầm của mình và kết nối chúng với nhau”, ông viết.
Ray Dalio cũng khuyến khích mọi người nên xác định và viết ra một thách thức lớn của bản thân, một điểm yếu thường cản trở bạn trên con đường đạt được những gì bạn muốn. Sau đó, hãy tập trung vào việc cải thiện tối đa 3 điểm yếu lớn nhất của mình để đạt được những tiến bộ nhất định, chứ không nên dàn trải.
Lấy ví dụ về sai lầm trong quá khứ của mình, Ray Dalio cho biết năm 1982, ông đã đánh cược mọi thứ vào một cuộc suy thoái kinh tế không bao giờ xảy ra và cuối cùng mất gần hết tiền khi thị trường chứng khoán tăng điểm, buộc ông phải sa thải toàn bộ nhân viên của Bridgewater khi đó.
“Tôi đã suy sụp và phải vay bố mình 4.000 USD để chi trả cho các hóa đơn sinh hoạt”, ông viết trong cuốn sách của mình. Tuy nhiên, theo ông, thất bại đó cuối cùng là một trong những điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với ông, vì nó buộc ông phải đối mặt với một số điểm yếu của bản thân.
“Thất bại đó cho tôi sự khiêm tốn cần có để cân bằng tính hiếu chiến và thay đổi tư duy từ việc nghĩ mình đúng thành làm thế nào để biết mình đúng”, Dalio từng nói vào năm 2019.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp