Mới đây, VinFast vừa bổ nhiệm ông Michael Lohscheller là Tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Ông Michael Lohscheller sẽ chịu trách nhiệm mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quảng bá VinFast ra toàn thế giới.
"Chiêu mộ" tài năng
Ông Lohscheller sẽ sang Việt Nam vào tháng 8 và làm việc tại trụ sở của tập đoàn này, trực tiếp quản lý và điều hành các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài là Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan.
Nhiệm vụ của vị CEO mới là mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quảng cáo thương hiệu VinFast ra toàn cầu, đồng thời tham gia thúc đẩy chiến lược vươn tầm quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa hãng xe Việt trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.
Ông Lohscheller bắt đầu làm việc trong ngành ôtô từ đầu những năm 2000. Với hơn 20 năm trong ngành bốn bánh, ông từng giữ những chức vụ quản lý cấp cao như Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc tài chính tại Mitsubishi Motors châu Âu, Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc tài chính tại Volkswagen Mỹ và gần đây nhất là Tổng giám đốc Opel toàn cầu (thuộc tập đoàn PSA, hiện đã sáp nhập với Chryler trở thành liên minh Stellantis).
Tuy nhiên, dấu mốc ấn tượng nhất của ông Lohscheller có lẽ là khi gắn bó với hãng xe Opel của Đức, giúp công ty này đạt được tăng trưởng lợi nhuận ổn định sau nhiều năm thua lỗ và chuyển đổi Opel sang thương hiệu xe điện.
Ông Lohscheller trở thành CEO của Opel vào tháng 6/2017. Điều đáng nói là thời điểm ông Lohscheller nhận nhiệm vụ mới, mức thua lỗ của Opel đã chạm mức 250 triệu USD trong quý II/2017.
Nguồn tin cho hay, thời điểm năm 2017, Opel đã thua lỗ trung bình 4 triệu euro (4,74 triệu USD) mỗi ngày. Trước đó vào quý I năm 2017, Opel cũng đã phải chịu khoản lỗ tương đương 210 triệu USD. Hồi tháng Năm, Giám đốc điều hành (CEO) của PSA, ông Carlos Tavares nhận định rằng Opel sẽ còn thua lỗ hơn nữa trong năm 2017.
Trên thực tế, Opel đã làm ăn thua lỗ trong suốt 20 năm vì hãng sản xuất ô tô này buộc phải chi khoảng 1 tỉ USD/ năm vào nghiên cứu và phát triển những những dòng xe nhỏ gọn, phù hợp với các quy định mới về chống ô nhiễm của châu Âu – vốn rất khác biệt so với các quy định của Mỹ hoặc Trung Quốc.
Khi đảm nhận cương vị mới tại Opel, cuối mùa hè năm 2017, Lohscheller đã ngay lập tức xác định kế hoạch PACE và thực thi nghiêm ngặt. Mục tiêu của Lohscheller là Opel sẽ phải có lợi nhuận và trở thành công ty xe điện toàn cầu.
Trong quá khứ, Opel đã có nhiều chương trình tái cấu trúc khác nhau với nhiều tên gọi khác nhau do nhiều đội ngũ quản lý khác nhau lãnh đạo nhưng mục tiêu lợi nhuận chưa bao giờ đạt được. Chính vì vậy, Lohscheller đã vạch ra những mục tiêu chi tiết với kế hoạch PACE bao gồm cắt giảm chi phí và hướng tới mục tiêu dài hạn là tỷ suất lợi nhuận hoạt động 6% vào năm 2026.
Việc cắt giảm chi phí tại Opel được Lohscheller thực hiện trên diện rộng. Khi tạm thời cắt giảm giờ làm việc tại nhà máy Ruesselsheim vào tháng 1/2018, họ cũng giảm giờ làm việc tại trụ sở chính. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra ở công ty.
Lohscheller cũng đã cắt giảm gần một phần ba số lượng giám đốc điều hành cấp cao để tăng tốc việc tái cấu trúc tổ chức. Kết quả là trong năm 2019, Opel đã cắt giảm được 28% chi phí cố định. Tuy nhiên, sự cải tiến lớn nhất đến từ việc doanh thu trên mỗi chiếc xe được cải thiện. Opel đã thực sự có những thay đổi khả thi.
Quay trở lại việc chiêu mộ nhân tài của Vingroup, trước Lohscheller, VinFast cũng đã thành công khi chiêu mộ CEO James B.Deluca – lãnh đạo nổi tiếng của General Motors. Ông Deluca có 16 năm gắn bó với General Motors, từng giữ vị trí Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu của thương hiệu này.
Một số nhân vật đáng chú ý khác từng "đầu quân" cho VinFast, có thể kể đến như Sam Casabene - Phó Tổng giám đốc Khối mua hàng của VinFast từng là Giám đốc phụ trách Mua hàng của Ford ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; Roy Flecknell - Phó Tổng Giám đốc Kế hoạch & Quản lý kế hoạch chương trình từng là Giám đốc Kế hoạch và Sản xuất ô tô khu vực và toàn cầu tại General Motors trong 22 năm.
Hay như ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Vingroup phụ trách ngành ô tô cũng từng là CEO của Bosch Việt Nam trong gần 10 năm, trưởng phòng đại diện của BMW tại Ai Cập.
Tham vọng lớn
Thời gian qua, bên cạnh việc gây ấn tượng với việc gây dựng thương hiệu, chính sách bán hàng, Vinfast cũng gây nể phục với chiến lược thu hút nhân tài.
Cách làm của VinFast là tìm những nhân sự tốt nhất, giỏi nhất ở tầm quốc tế cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt để đưa thương hiệu này tiến nhanh đến các mục tiêu của mình. Đây đều là những nhân sự "có name" với hàng chục năm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt tại các hãng xe hàng đầu thế giới.
Trong giai đoạn mới thành lập, cần xây dựng nền tảng trong giai đoạn đầu bước vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô, VinFast "chiêu mộ" là những chuyên gia trong khối sản xuất, kỹ thuật, mua hàng…
Đến nay, Vinfast đã bước vào "giai đoạn 2", hoạt động sản xuất đã đi vào ổn định, những nhân sự cao cấp được VinFast chiêu mộ chủ yếu nhắm đến việc phát triển thị trường, bán hàng và tiếp thị nhằm tiến nhanh ra thị trường quốc tế.
Do đó, có thể thấy những khác biệt lớn trong việc tuyển dụng nhân sự mới đây của VinFast. Ông Michael Lohscheller là một chuyên gia về tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh – được kỳ vọng sẽ giúp VinFast tối ưu doanh thu cũng như mở rộng mảng kinh doanh ô tô điện tại các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
Trước đó không lâu, VinFast cũng bổ nhiệm ông Jeremy Snyder làm Giám đốc phát triển thị trường Mỹ. Ông này có 10 năm kinh nghiệm quản lý tại Tesla, từng xây dựng đội ngũ bán hàng đạt doanh thu 2 tỷ USD/năm. Điểm mạnh của vị Giám đốc này là hoạch định chiến lược, xây dựng đội ngũ nhân sự, bán hàng và tiếp thị thương hiệu.
"Nữ tướng" đầu tiên của VinFast tại châu Âu – bà Trần Thị Hồng Bích, Quyền giám đốc VinFast châu Âu từng là CEO kiêm thành viên Ban giám đốc Toyota Hà Nội, đưa đơn vị này lọt top 3 các nhà bán hàng của Toyota tại Việt Nam. Trong profile trên LinkedIn, bà giới thiệu mình là người có kỹ năng về quản lý chung, quản lý vận hành, tiếp thị và bán hàng.
Trong cách tuyển dụng nhân sự cấp cao củaVinFast, vẫn có một điểm không thay đổi giữa 2 giai đoạn là "hàng chất lượng cao", profile "khủng" và đã khẳng định được năng lực bằng thành tích thực tế.
Tháng 3/2022, Vinfast sẽ chính thức ra mắt 2 mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Trước đó vào tháng 11/2021, VinFast cũng sẽ bàn giao mẫu SUV VF e34 cho người dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, hãng vẫn còn khá nhiều việc phải làm.
Trong bài trả lời phỏng vấn với Automotive News Europe cách đây không lâu, ông Lohscheller nhắc nhiều đến cụm từ "cost discipline", cho thấy góc nhìn của một chuyên gia về tài chính trong việc quản lý doanh nghiệp. Vị CEO này cũng bày tỏ quan điểm cho thấy ô tô điện là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là phân khúc ô tô điện chạy đô thị.
Mặc dù vậy, vị tân CEO của VinFast toàn cầu cũng nhìn nhận thực tế rằng, sẽ có nhiều việc phải làm để ô tô điện trở thành phổ thông. "Các khung pháp lý cần thiết sẽ thúc đẩy doanh số ô tô điện lên cao hơn. Để làm được điều đó, cần phải có rất nhiều thứ khác diễn ra. Mối lo ngại của tôi là hạ tầng vẫn chưa sẵn sàng và doanh số sẽ không tăng nhanh như một vài người trong chúng ta mong đợi".
Sau khi thông tin ông Lohscheller trở thành Tân tổng giám đốc toàn cầu của Vinfast, trang Car Expert, ngoài việc đưa tin và nêu thêm tiểu sử về ông Lohscheller, họ cũng tỏ ra băn khoăn trước người đàn ông luôn bị "thu hút bởi các thách thức mới" này. Car Expert viết: "Mặc dù được công nhận đã biến Opel/Vauxhall từ hoạt động thua lỗ liên tục dưới thời GM thành cỗ máy có lãi sau khi Groupe PSA mua lại, Lohscheller sẽ còn rất nhiều điều phải làm phía trước."
Thực vậy, theo thông báo của Vingroup, ông Lohscheller sẽ "chịu trách nhiệm mở rộng hoạt động và sự hiện diện của VinFast trên toàn cầu", cũng như biến thành "công ty xe điện thông minh toàn cầu". Đó không phải nhiệm vụ dễ dàng, nhất là với một công ty mới xuất hiện và đến từ một nền công nghiệp ô tô còn nhiều dang dở.
Trang Motor Authority bổ sung thêm điều Lohscheller phải đối mặt là "VinFast sẽ cần huy động tiền để tài trợ cho các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng". Theo Bloomberg, nhiều khả năng công ty sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hoa Kỳ.
Trang Autoevolution cũng cho rằng tại thời điểm này, nhiệm vụ trước mắt của ông Lorscheller là làm cho những phương tiện mới ra mắt như VF 32, VF 33 (VF e34, VF e35 - PV) trở nên hấp dẫn đối với khán giả quốc tế hơn là giúp công ty tạo ra một dòng sản phẩm điện mới. Và hẳn "chút đó" sẽ khiến chúng ta phải đợi lâu hơn ngày 1/9 (Ông Lohscheller cho biết sẽ làm ở Opel đến hết 31/8).
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp