Kinh doanh quán cà phê, phòng trà đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên anh Hà Thanh Phúc (ngụ quận 10, TP.HCM) rơi vào cảnh khó khăn, bế tắc. Trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp anh Phúc, sinh năm 1988, là chủ chuỗi quán kinh doanh cà phê, phòng trà gồm 6 địa điểm ở TP.HCM.
Hiện nay 6 quán của anh Phúc đều tạm ngưng kinh doanh theo quy định về phòng, chống dịch của thành phố. Cân nhắc kỹ càng, anh Phúc trả mặt bằng 1 quán, 5 quán còn lại vẫn gồng mình “chịu trận” với đủ mọi chi phí.
Anh Phúc kể, số nhân viên làm việc cho mình là hơn 100 người. Gần 3 tháng qua, anh vẫn hỗ trợ một phần tiền lương cho nhân viên dù bản thân không kiếm được thu nhập từ kinh doanh quán xá. “Với nhân viên lâu năm, tôi trả khoảng 50% tiền lương hằng tháng cho mỗi người. Còn nhân viên bình thường, tôi hỗ trợ từ 500.000 – 1.000.000 đồng/tháng. Nhiều người khổ lắm, nếu không hỗ trợ thì họ lấy gì ăn, lấy gì trả tiền phòng trọ”, anh Phúc nói.
Không chỉ hỗ trợ tiền lương cho nhân viên, anh Phúc còn phải trả tiền mặt bằng hằng tháng. Vì những địa điểm kinh doanh này đều nằm ở khu trung tâm thành phố nên phí mặt bằng khá cao. Tổng số tiền hằng tháng anh Phúc phải chi là hơn 300 triệu đồng. “Có chủ nhà thương tình thì họ giảm bớt tiền mặt bằng, có người đang nợ tiền ngân hàng nên họ nhắn tôi thông cảm. Biết sao được, dịch mà”, anh Phúc nói thêm.
Tuy gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng không vì thế mà anh Phúc buông xuôi. Hiện tại, anh Phúc cùng một số người bạn đang kêu gọi, quyên góp ủng hộ người vô gia cư. “Sắp tới, tôi tiếp tục quyên góp lập tủ thuốc cho các F0 khó khăn tự điều trị tại nhà. Nếu trắng tay sau dịch thì tôi làm lại từ đầu, bây giờ quan trọng nhất là sức khoẻ cộng đồng”, anh Phúc nói.
Trắng tay, nợ "ngập đầu"
Đỗ Bình Nguyên (ngụ quận Bình Thạnh) hiện tại đang nợ hơn 700 triệu đồng vì kinh doanh thua lỗ do dịch bệnh COVID-19. Nguyên, sinh năm 1990, là chủ 2 quán trà sữa tại TP.HCM, nhân viên khoảng 20 người.
Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp công việc kinh doanh của anh Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi tháng anh Nguyên chi trả hơn 80 triệu đồng dù không có nguồn thu từ việc kinh doanh. Bản thân anh Nguyên hiện đang ở trọ. Tiền chi trả cho quán xá, tiền trả cho chủ trọ, lại thêm tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày khiến anh Nguyên trở nên kiệt quệ.
“Tôi vay mượn đủ nơi, thậm chí còn lấy tiền người thân gửi cho để xoay sở qua ngày. Bây giờ tôi trắng tay, nợ ngập đầu nhưng không biết làm cách nào hơn”, Nguyên kể.
Hiện tại Nguyên có mong ước là được về quê. Về phần kinh doanh, Nguyên cố gắng gồng gánh thêm 1 tháng nữa, nếu tình hình dịch kéo dài thì mới trả mặt bằng và ngừng kinh doanh. “Tiền đầu tư vào quán rất nhiều rồi, tôi không thể bỏ ngang. Nếu trường hợp xấu nhất có vỡ nợ thì đành chịu”, anh Nguyên cho biết thêm.
Về phần Phạm Huy (37 tuổi, ở quận Gò Vấp), cửa hàng bán thức ăn của anh vừa kinh doanh được 2 tháng thì phải tạm ngưng hoạt động. Suốt 3 tháng nay, Huy vẫn phải thanh toán các chi phí mặt bằng.
Vì mặt bằng quán để không nên Huy, 37 tuổi, đã cho các hội nhóm từ thiện mượn làm chỗ tập kết đồ ăn hoặc nấu nướng hỗ trợ người nghèo gặp khó khăn trong mùa dịch. “Tôi hỗ trợ cho đến khi nào hết giãn cách thì thôi. Quán có tủ đông, tủ mát, bếp và chỗ ngủ lại, ai khó khăn thì tôi giúp”, anh Huy nói.
Tiền anh Huy chi trả cho mọi chi phí lấy từ khoản tiết kiệm nhiều năm qua, dù khó khăn vì dịch bệnh nhưng anh Huy vẫn lạc quan cho rằng “Còn sống là còn tất cả”.
Theo VTCNews